Vốn lưu động (VLĐ) hay Working capital không còn quá xa lạ đối với những nhà quản trị. Bởi với họ, đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng. Nó cho biết nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp, để đảm bảo cho các hoạt động cơ bản được diễn ra một cách bình thường.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư thường rất khó hình dung được vốn lưu động là gì? Trong bài viết này, bạn hãy cùng GoValue tìm hiểu chi tiết về vốn lưu động, cách tính cũng như ứng dụng chỉ số này trong việc dự phóng dòng tiền tương lai của doanh nghiệp.
Nhưng trước hết, chúng ta sẽ tìm hiểu những khái niệm cơ bản của vốn lưu động.
Vốn lưu động (working capital) là gì?
Vốn lưu động (Working capital) là một thước đo tài chính thể hiện nguồn lực sẵn có, phục vụ cho các hoạt động diễn ra hằng ngày của doanh nghiệp.
Ví dụ như: Tiền mua mới nguyên liệu, tiền trả lương cho nhân viên, thanh toán các khoản nợ ngân hàng đến hạn… Một doanh nghiệp có lợi nhuận cao đến đâu, nhưng nếu không đáp ứng đủ vốn lưu động cũng sẽ khiến việc kinh doanh bị gián đoạn. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới phá sản.
Cách tính vốn lưu động
Working capital được tính bằng: Tài sản ngắn hạn – Nợ phải trả ngắn hạn
Bạn có thể dễ dàng lấy tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn trên báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán) của doanh nghiệp.
Trong đó, tài sản ngắn hạn là tài sản mà doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi được ngay thành tiền mặt trong ngắn hạn (dưới 1 năm).
Bao gồm các khoản mục:
- Tiền và tương đương tiền: Như tiền mặt, ngoại tệ, vàng kim quý,…
- Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: Các khoản tiền gửi ngân hàng, các loại giấy tờ có giá như trái phiếu (thời hạn dưới 1 năm).
- Hàng tồn kho: Nguyên vật liệu, thành phẩm, hàng hóa để phục vụ cho hoạt động bán hàng của doanh nghiệp.
- Khoản phải thu ngắn hạn: Các khoản bán chịu cho đại lý, người mua trong ngắn hạn.
- Tài sản ngắn hạn khác
Nợ phải trả ngắn hạn là nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thanh toán trong ngắn (dưới 1 năm). Bao gồm các khoản mục chính:
- Nợ vay ngắn hạn: Các khoản nợ vay tài chính (ngân hàng) của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
- Phải trả nhà cung cấp: Các khoản mua chịu nhà cung cấp (dưới 1 năm)
- Nợ phải trả ngắn hạn khác.
Ý nghĩa của vốn lưu động
Vốn lưu động dương:
VLĐ dương chứng tỏ tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp đang lớn hơn các khoản nợ ngắn hạn. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi tài sản ngắn hạn này thành tiền, thanh toán các khoản nợ tới hạn. Giúp các hoạt động sản xuất của công ty diễn ra bình thường.
Vốn lưu động âm:
Ngược lại, vốn lưu động âm khi tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp thấp hơn nợ ngắn hạn. Hay nói cách khác, dù có chuyển hóa hết tài sản ngắn hạn thành tiền nhưng vẫn không đủ đáp ứng các nghĩa vụ của công ty.
Điều này là cực kỳ nguy hiểm, cho dù doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận rất tốt…Tuy nhiên nếu không có khả năng thanh toán các khoản nợ (nghĩa vụ) trong ngắn hạn thì doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng phá sản.
Như vậy, Vốn lưu động bao nhiêu là đủ?
Ta sẽ sử dụng Tỷ lệ vốn lưu động (Working capital ratio).
Tỷ lệ vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn/nợ phải trả ngắn hạn
- Nếu tỷ lệ vốn lưu động < 1
Lúc này tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn. Doanh nghiệp có khả năng phá sản cao khi không đủ khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn.
- 1 < Tỷ lệ vốn lưu động < 2.0
Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lớn hơn nợ phải trả ngắn hạn. Từ đó cho thấy sức khỏe tài chính của doanh nghiệp tương đối ổn định, doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
- Tỷ lệ vốn lưu động > 2.0
Hay tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lớn hơn 2 lần nợ phải trả. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải có lợi thế cạnh tranh nhất định, dòng tiền kinh doanh khỏe mạnh và rất ít nợ vay. Tùy vào ngành nghề mà doanh nghiệp đó đang hoạt động, thông thường Working capital ratio lớn hơn 1.0 là có thể chấp nhận được.
Thay đổi vốn lưu động (Change in working capital)
Đây có lẽ là phần ứng dụng quan trọng nhất của vốn lưu động.
Các khoản phải thu khách hàng hoặc hàng tồn kho khó điểm định, rất dễ bị lợi dụng nhằm thực hiện mục đích xấu…
Ví dụ: Khi công ty A bán hàng cho công ty B, công ty B chưa trả tiền (bán chịu) nhưng theo quy tắc kế toán hiện hành, công ty A vẫn được ghi nhận doanh thu lợi nhuận và 1 khoản phải thu tương ứng. Không ít trường hợp các khoản phải thu này tồn tại một thời gian rất dài (công ty B có liên quan tới công ty A). Công ty A không thu được tiền nhưng vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận như thường. Từ đó rất dễ đánh lạc hướng những nhà đầu tư ít kinh nghiệm, chỉ quan tâm nhiều tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tuy nhiên với những những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm có thể phát hiện ra việc này được trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ – khoản thay đổi VLĐ.
Cách tính Thay đổi vốn lưu động
Có 2 cách tính Thay đổi vốn lưu động.
Cách #1: Cách tính phổ thông
Thay đổi VLĐ = VLĐ năm nay – VLĐ năm trước
Cách #2: Thay đổi vốn lưu động bỏ tiền và nợ vay (Change in non-cash working capital)
Thay đổi VLĐ (non-cash) = VLĐ năm nay – VLĐ năm trước
* Chú ý: Trong đó vốn lưu động sẽ loại bỏ khoản tiền, tương đương tiền, tài sản ngắn hạn khác, nợ vay ngắn hạn, nợ phải trả ngắn hạn khác.
Lúc này Thay đổi vốn lưu động sẽ chỉ còn 3 khoản mục:
= Hàng tồn kho + phải thu ngắn hạn – phải trả ngắn hạn.
Vốn lưu động tăng thêm bao nhiêu, đồng thời dòng tiền hoạt động (CFO) của công ty âm tương ứng…
Theo lý thuyết, khoản tài sản tăng thêm này hoàn toàn có thể chuyển đối thành tiền trong ngắn hạn, để trả các khoản nợ đến kỳ thanh toán trong doanh nghiệp. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp các khoản tồn kho, phải thu khách hàng này cứ tăng mãi… Dẫn tới dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp liên tục âm và hệ quả tất yếu là công ty phải tăng vay nợ hoặc phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp phần thiếu hụt.
Những yếu tố tác động đến Thay đổi vốn lưu động
Trong phân tích đầu tư, bạn cần rất tỉnh táo để tìm ra câu chuyện đằng sau những thay đổi trên các chỉ số tài chính. Nếu chú ý, dòng tiền của doanh nghiệp sẽ cho bạn khá nhiều thông tin thú vị…
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp lớn vượt trội về quy mô, công nghệ sản xuất sẽ có lợi thế lớn trong việc đàm phán hợp đồng. Từ đó họ có khả năng chiếm dụng được vốn của cả người mua lẫn người bán hàng. Để giảm thiểu tối đa sức ép tài chính trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp
Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách bán hàng.
Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp sẽ cần tăng chiết khấu cho đại lý, thả lỏng chính sách bán hàng hơn nếu muốn thúc đẩy doanh số. Từ đó làm các khoản phải thu khách hàng, tồn kho tăng lên và tăng Thay đổi vốn lưu động năm đó.
Bạn phải cực kỳ tỉnh táo bởi tất cả các chỉ số tài chính của doanh nghiệp đều đẹp nhất khi chu kỳ kinh doanh đạt đỉnh…Tuy nhiên khoản đầu tư đem lại lợi nhuận lớn nhất lại là khi doanh nghiệp đang ở vùng đáy.
Một ví dụ rõ ràng nhất cho tính chu kỳ của các doanh nghiệp là đối với ngành thép khi đạt đỉnh chu kỳ vào năm 2021 sau đó xuống đáy chu kỳ cuối năm 2022.
Điều quan trọng là bạn cần xác định được lợi thế cạnh tranh bền vững, giúp doanh nghiệp tồn tại qua thời kỳ khó khăn. Những nhà đầu tư nào đã nhận ra cơ hội mua vào cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát vào cuối năm 2021 thì đến nay có lẽ rất hạnh phúc khi chứng kiến cổ phiếu đã tăng gần 3 lần so với đáy.
Tính minh bạch của doanh nghiệp
Như đã đề cập ở phần trước, bạn phải cực kỳ cẩn trọng nếu một doanh nghiệp có khoản change in non-cash working capital liên tục tăng trong nhiều năm liền (dòng tiền hoạt động âm). Bởi bản chất trong quy trình kiểm toán là chọn mẫu. Sẽ rất khó để xác định toàn bộ các khoản phải thu khách hàng, hàng tồn này có chính xác hay không? Nhất là khi thông tin thuyết minh trên báo cáo tài chính còn rất hạn chế và không rõ ràng.
Việc thay đổi vốn lưu động dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm là rất bình thường trong vòng đời hoạt động của công ty. Tuy nhiên, bạn không thực sự hiểu rõ về doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.
Lời Kết
Trong phân tích đầu tư, VLĐ và Thay đổi VLĐ được ứng dụng rất nhiều trong việc tính toán dòng tiền của công ty (Phương pháp định giá DCF).
Bạn cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ những nguyên nhân nếu Thay đổi VLĐ của doanh nghiệp liên tục tăng (dòng tiền hoạt động kinh doanh âm) trong khoảng thời gian dài.
Xem thêm: Nhận diện các thủ thuật gian lận kế toán.