Thị trường phái sinh tuần 19-23/2

Sau 2 phiên đầu năm mới Giáp Thìn tăng khá tốt, tuần 19– 23/2 VN30F1M tiếp tục mở cửa với sự hưng phấn cao và sau đó dao động trong biên độ hẹp ngay tại vùng đỉnh cũ trước đó từ tháng 8,9/2023. Cao trào chỉ diễn ra trong phiên cuối tuần khi phiên sáng tăng điểm tốt với dòng tiền lan tỏa, động lực chính là dòng ngân hàng mà tiêu điểm là BID, TCB, CTG, MBB, … nhưng bên cạnh đó, họ VIN lại là đối trọng để giữ thị trường không tăng quá mạnh. Phiên chiều diễn ra sự chốt lời mạnh ở hầu khắp các nhóm ngành làm VN30F1M quay đầu giảm 1,04% so với phiên trước. Tính chung cả tuần VN30F1M giảm 6,9 điểm tương đương 0,56% so với tuần trước đó. Khối lượng giao dịch chỉ thấp hơn trung bình 20 tuần một chút nhưng chủ yếu do khối lượng phiên cuối tuần tăng mạnh. Chỉ báo MACD đang khá mạnh.

Khối lượng hợp đồng mở OI tháng 3 khá khiêm tốn so với các tháng trước đó, ở mức 41-44k hợp đồng. Khối lượng hợp đồng mở tháng 4 hiện cũng ở mức khá thấp.

Tương quan cung cầu

Khối lượng giao dịch VN30F1M giao dịch khá ảm đạm so với các tuần trước đó, và chỉ tăng đột biến ở phiên cuối tuần. Có thể thấy ngay trong phiên “Úp bô”, cầu LONG chủ động vẫn nhỉnh hơn SHORT, chủ yếu do số hợp đồng/lệnh LONG lớn hơn khá nhiều.

Chuyển động tổ chức

Trong tuần, khối Ngoại SHORT ròng 1644 hợp đồng tháng 3 để chốt lãi nhưng riêng phiên cuối tuần họ SHORT ròng 3,370 hợp đồng. Tổng vị thế xuống còn khoảng 15,560 LONG với giá vốn trung bình 1,219.8 điểm. Với hợp đồng tháng 4, khối Ngoại chỉ LONG ròng 194 hợp đồng, tổng vị thế LONG hợp đồng tháng 4 của khối Ngoại là 174 với giá vốn trung bình khoảng 1,225.4 điểm.

Trong khi đó, khối Tự doanh đã LONG ròng 2,974 hợp đồng tháng 3 và còn giữ 9,235 vị thế SHORT với giá vốn khoảng 1,229.3. Với hợp đồng tháng 4, Tự doanh SHORT ròng 87 hợp đồng và cũng giữ 87 vị thế SHORT với giá vốn trung bình 1,227.7 điểm.

Góc nhìn chỉ số VNINDEX và VN30F1M

Trong tuần 19-23/2, VNINDEX tiếp đà tăng từ 2 tuần trước đó nhưng các phiên giữa tuần có biến động khá hẹp. Đột biến chỉ diễn ra trong phiên cuối tuần khi phiên sáng tăng điểm tích cực với dòng tiền lan tỏa nhưng sang phiên chiều diễn ra sự chốt lời hàng loạt khiến VNINDEX quay đầu giảm điểm.

Sự điều chỉnh này gần như là tất yếu và nên xảy ra để thị trường có thể tăng tiếp vì VNINDEX đã tăng khoảng 20% từ cuối tháng 10/2023 và 13% từ giữa tháng 12/2023. Vùng 1,230-1,240 điểm cũng là vùng kháng cự mạnh khi là đường biên trên của dải Bollinger và ngang với các đỉnh cũ trước đó. Thanh khoản VNI cũng tăng đột biến so với trước đó.

Điểm tích cực ở đây là các đường MA đều đang hướng lên khá mạnh, đồng thời chỉ báo MACD và RSI cũng đang có vị thế tốt.

Trong tuần 26/2-1/3 sẽ không có nhiều sự kiện quốc tế, có lẽ thị trường sẽ chú ý tới lãi suất ngân hàng hay các đại án Vạn Thịnh Phát và FLC, cũng như xem xét lại triển vọng của nền kinh tế cũng như các định giá doanh nghiệp khi khá nhiều các cổ phiếu đã tăng khá nhiều trong thời gian vừa qua.

Kịch bản tích cực: VNINDEX tiếp tục giảm điểm trong phiên đầu tuần nhưng thanh khoản giảm cũng như biên độ hẹp và có sự rút chân nhẹ. Trong các phiên sau đó thị trường tiếp tục đi ngang tích lũy để hấp thụ lượng hàng bán ra. Vùng hỗ trợ hiện tại sẽ nằm quanh vùng 1,190 – 1,200, nếu thị trường bảo toàn được vùng này thì sẽ có nhiều cơ hội để vượt đỉnh cũ trong các tuần tiếp theo.

Kịch bản tiêu cực: Với lực bán mạnh mẽ, VNINDEX tiếp tục giảm mạnh qua vùng 1,190 – 1,200. Lực bán tiếp tục gia tăng do các nhà đầu tư cá nhân FOMO trong giai đoạn vừa qua bán cắt lỗ. Kết tuần nếu VNINDEX quanh vùng 1,150 – 1,160 thì sẽ cần khá nhiều thời gian để lên lại.

Theo quan điểm của Kiến Tím, sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần vừa qua thì thị trường chắc chắn sẽ khá tiêu cực ở khoảng 2 phiên đầu tuần và sau đó kiểm nghiệm lượng hấp thụ hàng bán ra. Đây cũng là dịp để VNINDEX nghỉ ngơi sau đó tiếp tục đi lên.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *