Trong tuần này, Kiến Tím sẽ phân tích bctc của: Công ty CP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2)
NT2 có công suất 750MW, sản lượng trung bình hàng năm ở mức 4,5 tỷ kWh. NT2 sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp (CCGT) thế hệ F, có hiệu suất 58%, là một trong những nhà máy điện khí có hiệu suất cao nhất nước ta.
Nhà máy được đặt trong tam giác kinh tế thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, là khu vực năng động nhất cả nước.
Phân tích báo cáo tài chính:
NT2 là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, có mô hình kinh doanh khá đơn giản. NT2 không có công ty con hay công ty liên kết.
Bài phân tích sẽ chỉ sử dụng các báo cáo tài chính hợp nhất cả năm và báo cáo bán niên đã được kiểm toán.
- Kết quả kinh doanh:
Năm 2022, NT2 đạt 8788 tỷ đồng doanh thu thuần và 883 tỷ đồng LNST, tăng lần lượt 42% và 65% so với 2021. Đạt được sự tăng trưởng ấn tượng như vậy một phần là do năm 2021 NT2 có kết quả kinh doanh tương đối thấp.
Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2023, NT2 chỉ đạt 4405 tỷ đồng doanh thu và 378 tỷ đồng LNST, giảm 6,2% và 27,9% so với cùng kỳ 2022. Đây cũng là hệ quả của việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu 2023.
Biên lợi nhuận gộp của NT2 duy trì quanh mức 11 – 15% trong giai đoạn 2018 – 2022. Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi nhà máy hoạt động ổn định và chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 80% trong chi phí sản xuất (trong đó chi phí nhiên liệu khí chiếm khoảng 70%).
Bên cạnh đó, NT2 có lợi thế cạnh tranh tốt khi chi phí quản lý doanh nghiệp (SG&A) luôn duy trì ở mức thấp từ 8 – 12% (NT2 và các doanh nghiệp điện khác đều không cần đến chi phí bán hàng).
Nhìn xa hơn trong giai đoạn 5 năm, NT2 đã có sự hồi phục doanh thu và lợi nhuận khá tốt trong những năm 2017-2019 nhưng lại giảm đi đáng kể trong giai đoạn Covid 2020-2021. Chúng ta có thể thấy, tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành điện nói chung và NT2 nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.
Tiềm năng tăng trưởng của NT2:
Với mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 6,3 – 7,05%/ năm cho giai đoạn 2021-2030 thì nhu cầu tiêu thụ điện của nước ta được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 8 – 10% trong giai đoạn này.
NT2 có vị trí thuận lợi khi được đặt ở ngay trung tâm tam giác kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ là tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là khu vực kinh tế quan trọng và năng động nhất Việt Nam. Với dân số chiếm khoảng 18,9% cả nước và đóng góp 32% vào GDP cả nước. Do vậy NT2 sẽ được ưu tiên huy động cao nhằm giảm tổn thất truyền tải và cũng phù hợp với chính sách bảo vệ môi trường của nước ta.
Mặc dù vậy, NT2 không phải là một doanh nghiệp tăng trưởng, đây là một cổ phiếu có tính phòng thủ điển hình. Do nhà máy được thiết kế với công suất 750MW và sản lượng điện phụ thuộc vào sự huy động của trung tâm điều độ hay kế hoạch bảo trì/ bảo dưỡng nhà máy nên những nhà đầu tư kỳ vọng NT2 sẽ tăng liên tục hàng năm sẽ sớm phải thất vọng.
Cụ thể như quý 3 năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu đạt 2168 tỷ, tăng 74% so với quý 3 năm 2021 và LNST đạt 199 tỷ thì doanh thu quý 3 năm nay của NT2 chỉ còn 816 tỷ, giảm 62% và LNST là -124 tỷ. Điều này là do nhà máy đã tiến hành đại tu tại 100.000 EOH từ ngày 06/9 đến 24/10/2023. Đây là hoạt động định kỳ của nhà máy và đã được Ban giám đốc đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty.
Ngoài ra, năm 2023 là năm cuối cùng NT2 được hưởng ưu đãi thuế với mức thuế suất 5% cho hoạt động kinh doanh điện nên từ sau năm 2023 chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của NT2 sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, sang năm 2024 và 2025, thuế suất sẽ là 10% cho hoạt động kinh doanh điện và từ 2026 trở đi thuế suất sẽ là 20% cho tất cả các hoạt động kinh doanh. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận sau thuế của NT2.
2. Hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp:
- Vòng quay hàng tồn: NT2 có vòng quay hàng tồn kho khá ổn định ở mức 23-25 (tương đương số ngày tồn kho 15-16 ngày) chỉ có giai đoạn Covid năm 2020-2021 thì vòng quay hàng tồn giảm xuống 16-17 (tương đương 20-21 ngày tồn kho). Qua đó ta có thể thấy NT2 khá chủ động nguồn nguyên vật liệu để sản xuất. Điều này có được là do NT2 ký hợp đồng mua bán khí với Tổng công ty khí (GAS) dài hạn (25 năm), hàng năm, GAS sẽ cung cấp hàng năm khoảng 784 tr m3 khí.
- Vòng quay phải thu khách hàng: ở mức rất thấp, chỉ ở mức 3,5 – 4 (đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần từ 90 – 105 ngày để thu hồi các công nợ). Trong điều kiện nền kinh tế khá yếu, việc bị chiếm dụng vốn quá lâu là bất lợi lớn cho doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, toàn bộ khoản phải thu ngắn hạn là khoản tiền phải thu của công ty mua bán điện (EPTC). Do đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất điện sẽ ghi nhận doanh thu hàng tháng với công ty mua bán điện nhưng khoản thanh toán sẽ được chuyển sau đó. Bản chất khoản phải thu này gần như không có rủi ro và sẽ được thanh toán tùy thuộc vào tình hình tài chính của công ty mua bán điện. Với việc đơn giá điện vừa được điều chỉnh tăng, tình hình tài chính của EVN nói chung sẽ tốt lên, qua đó kỳ vọng NT2 sẽ được thanh toán sớm hơn, tránh bị chiếm dụng vốn quá lâu.
3. Hiệu quả hoạt động:
Tỷ suất LNST trên tổng tài sản (ROA) và Tỷ suất LNST trên vốn Chủ sở hữu (ROE) năm 2022 lần lượt là 12,56 và 19,97, tăng trưởng rất tốt so với 2020 và 2021. ROA và ROE của NT2 luôn ở mức cao nhất trong nhóm nhiệt điện.
Một chỉ số rất quan trọng mà ít nhà đầu tư quan tâm là (ROIC). ROIC khá tương đồng với ROE, tuy vậy với những doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay để tạo ra lợi nhuận thì ROE sẽ thường bị thổi phồng lên. Điều này cũng khá giống với trường hợp của NT2 trước 2019 khi nợ vay rất lớn nên mặc dù ROE duy trì ở mức cao 18 – 22%, tuy vậy nếu tính thêm cả phần nợ vay ngắn hạn và dài hạn thì ROIC của NT2 vẫn duy trì ở mức thấp từ 9 – 12%. ROIC của NT2 chỉ thực sự bứt phá từ năm 2022 khi mà họ đã trả hết nợ vay dài hạn và không vay nợ ngắn hạn quá nhiều.
4. Cơ cấu nguồn vốn và tài sản:
Cơ cấu nguồn vốn:
NT2 là một doanh nghiệp có tài chính lành mạnh khi hệ số nợ liên tục giảm từ năm 2016 và hiện duy trì ở quanh mức 36 – 38% tổng nguồn vốn. NT2 hiện không có nợ vay dài hạn và chỉ có một số khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp, NT2 cũng đã hoàn thành nghĩa vụ với khoản vay bằng ngoại tệ không có rủi ro về biến động của tỷ giá.
Cùng với việc trả hết nợ vay dài hạn, NT2 đã tích lũy được tương đối nhiều tiền mặt, tại thời điểm cuối năm 2022, tổng lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn của NT2 là 1,333 tỷ tương đương 17,9% tổng nguồn vốn, con số này ở thời điểm cuối quý 2/ 2023 là 1055 tỷ (tương đương 11,5% tổng nguồn vốn).
Nguồn vốn Chủ sở hữu của NT2 được bổ sung đều đặn hàng năm từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tại thời điểm cuối năm 2022, LNST chưa phân phối là 1553 tỷ đồng và cuối quý 2/2023 là 1568 tỷ đồng.
Cơ cấu tài sản:
Với đặc thù của một doanh nghiệp sản xuất điện, NT2 đã đầu tư rất lớn vào tài sản dài hạn ngay từ những năm đầu và hiện nay không cần đầu tư thêm nhiều tài sản dài hạn. Đồng thời NT2 sử dụng phương án khấu hao nhanh tài sản dài hạn nên tỷ lệ đầu tư tài sản dài hạn trên tổng tài sản giảm rất nhanh, đặc biệt là từ 2020 trở lại đây.
Với việc gần như toàn bộ tài sản của NT2 là tài sản hữu hình và nợ vay giảm hàng năm thì giá trị sổ sách cũng như giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu tăng trưởng kép khoảng 6,5% trong giai đoạn 2018 – 2022. Tính đến cuối 2022, giá trị sổ sách của NT2 là 16027 đồng/ cổ phiếu.
5. Khả năng thanh khoản:
Với cơ cấu nguồn vốn vững mạnh, khả năng thanh khoản của NT2 hiện rất tốt.
Hệ số thanh toán hiện hành: phản ánh khả năng chuyển đổi tài sản thành tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Trong giai đoạn 2018 – 2022, hệ số thanh toán hiện hành của NT2 đã tăng dần lại từ mức thấp (0,8) tới mức ổn định (1,08) và tốt của năm 2022 (1,61).
Hệ số thanh toán nhanh: tương tự như vậy, hệ số thanh toán nhanh của NT2 đang ở mức tốt (1,5).
6. Dòng tiền tự do FCF:
NT2 là một trong những nhà máy điện hiện đại, có hiệu suất cao nhất và hoạt động ổn định nhất. Chính vì vậy, NT2 mang lại dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) rất cao, trung bình hơn 1400 tỷ/năm trong giai đoạn 2018 – 2022.
NT2 sử dụng phương án khấu hao nhanh nên giá trị còn lại của các máy móc thiết bị chỉ còn gần 1500 tỷ tại thời điểm cuối 2022. Như vậy có thể hết năm 2025 hoặc sang đầu 2026 nhà máy sẽ hết khấu hao cho máy móc thiết bị chính. Từ sau đó dòng tiền kinh doanh sẽ có thêm từ 500 – 600 tỷ mỗi năm.
Thêm vào đó, nhà máy không yêu cầu đầu tư thêm nhiều Capex. Trong hình, hàng năm NT2 chỉ đầu tư dưới 1% LNST cho Capex.
Nên dòng tiền tự do mà NT2 mang lại ở mức rất cao, trung bình giai đoạn 2018 – 2022, NT2 mang về dòng tiền tự do khoảng 1400 tỷ đồng.
Ta có thể so sánh vốn hóa của NT2 tại thời điểm ngày 17/11/2023 là 7052 tỷ đồng. Tức là vốn hóa của NT2 chỉ xấp xỉ gấp 5 lần FCF trung bình 5 năm gần nhất.
7. Phân phối lợi nhuận
NT2 thuộc nhóm các công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn và khá cao trên thị trường, duy trì ở mức 20 – 25% tính theo mệnh giá/ cổ phiếu.
Ban lãnh đạo NT2 cũng rất fair với cổ đông khi dùng phần lớn LNST để chi trả cổ tức cho (chia 88 – 95% LNST trong giai đoạn 2018 – 2022). Mức chi trả cổ tức năm 2021 là 447 tỷ/ 534 tỷ LNST còn năm 2022 là 719 tỷ/ 883 tỷ LNST.
Với việc công ty mẹ của NT2 là Tổng công ty điện lực dầu khí (POW) hiện đang cần tiền để phát triển các dự án mới sẽ là động lực để NT2 duy trì mức cổ tức tiền mặt cao.
Ngoài ra, NT2 trích quỹ khen thưởng – phúc lợi khoảng 3,5% LNST là mức khá hợp lý.
8. Rào cản gia nhập mới trong ngành điện:
Theo quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, điện khí và điện gió sẽ được ưu tiên huy động còn điện than và thủy điện sẽ giảm dần. Hiện tại sản lượng điện khí chỉ chiếm khoảng hơn 5% tổng sản lượng huy động cả năm của nước ta. Tuy nhiên rào cản gia nhập mới đối với ngành điện nói chung là rất lớn sẽ khiến các đối thủ muốn đầu tư mới để cạnh tranh với NT2 phải nản lòng.
Như trường hợp của dự án Dung Quất 1, có mức tổng đầu tư là 18700 tỷ đồng đã có chủ trương đầu tư từ 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công. Các dự án năng lượng tái tạo cũng đang vướng mắc rất nhiều thủ tục.
Qua bài phân tích trên, có thể thấy NT2 là một doanh nghiệp tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, được quản trị bởi một ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm. NT2 sẽ có nhiều lợi thế trong giai đoạn 2021 – 2030.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, NT2 sẽ là một cổ phiếu phòng thủ tốt cho nhà đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái hiện nay. NT2 cũng sẵn sàng tăng trưởng khi kinh tế Việt Nam ấm lại.
Rủi ro của NT2:
- Trường hợp nếu kinh tế Việt Nam và thế giới rơi vào suy thoái kéo dài, sản xuất kinh doanh trì trệ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện được huy động của NT2. Tuy nhiên, với vị trí thuận lợi, NT2 sẽ vẫn được ưu tiên huy động.
- Nếu tình hình thủy văn thuận lợi, thủy điện được huy động nhiều hơn. Đây có thể là rủi ro làm giảm doanh thu trong ngắn hạn của NT2. Xét về dài hạn, theo quy hoạch điện VIII, điện khí và điện gió sẽ vẫn được tăng huy động.
- Nếu tình hình thế giới phức tạp, chiến tranh Trung Đông lan rộng, … làm tăng giá dầu mỏ, khí đốt. Đây là rủi ro làm tăng chi phí sản xuất điện của NT2. Tuy nhiên rủi ro này không lớn vì giá điện NT2 ký hợp đồng với EVN được tính trên cơ sở tất cả chi phí đầu vào, đồng thời cho phép NT2 chuyển những rủi ro của chi phí vào giá bán điện (bao gồm giá khí, chi phí lãi vay, khấu hao, chi phí lao động).
- Nếu nhà máy gặp sự cố, phải dừng hoạt động dài ngày: rủi ro này là hiện hữu với bất kỳ nhà máy điện nào, tuy nhiên NT2 là nhà máy hiện đại, vận hành đáng tin cậy. Ban lãnh đạo NT2 lập kế hoạch tiểu tu, trung tu, đại tu nhà máy theo thời gian làm việc nên sẽ giảm thiểu khả năng hỏng hóc, sự cố lớn.
Trên đây là bài phân tích báo cáo tài chính của Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2. Đây cũng là bài dự thi của tôi trên group Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam VWA 2023. Hy vọng cung cấp thêm góc nhìn cho bạn đọc về tình hình tài chính của NT2.
Xem thêm: 6 Nhóm chỉ số tài chính của Doanh nghiệp