Sự thịnh vượng có từ đâu? Tại sao có những quốc gia rất giàu, trong khi số khác lại rất nghèo? Có những nơi ban đêm rất sáng, trong khi nơi khác lại rất ít ánh đèn? Từ rất lâu, con người vẫn luôn tìm lời giải cho những câu hỏi đó.
Adam Smith là nhà Kinh tế học, Triết gia người Scotland đã nhìn thấy sự đối lập đó và đưa vào trong kiệt tác của ông – “Sự thịnh vượng của các quốc gia”, cuốn sách được phát hành vào năm 1776. Nó đã trở thành bản tuyên ngôn cho sự ra đời của môn khoa học về kinh tế, lao động, xã hội học kinh tế và đóng góp không nhỏ trong việc hoạch định chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.
Adam Smith là một người thực dụng, ông tin rằng mọi người sẽ hành động theo lợi ích riêng của họ. Thông điệp chính của cuốn sách có lẽ là khuyên chúng ta phải tin vào các động cơ khuyến khích. Và do đó, mọi chính sách kinh tế được đưa ra phải luôn tính đến điều đó. Một xã hội không thể làm gì tốt hơn việc thiết lập các động cơ đúng đắn để con người hành động theo cách tốt nhất có thể.
Điều kiện tiên quyết để đưa một quốc gia từ mức độ man rợ thấp nhất đến phồn thịnh cao nhất là không gì khác ngoài hòa bình, thuế khóa vừa phải, và một chính quyền tôn trọng công lý: mọi điều còn lại là do quá trình tự nhiên của sự vật đem tới.
Adam Smith
Bài viết dưới đây tóm tắt các ý chính trong cuốn sách “Sự thịnh vượng của các quốc gia”:
- Năng suất là Vua – Productivity is King
Người dân ở một quốc gia sẽ trở lên giàu có hơn, có cơ hội được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn khi quốc gia đó thịnh vượng. Thông thường, sự giàu có sẽ phụ thuộc nhiều vào năng suất của họ được tăng lên bao nhiêu. Năng suất lao động được cải thiện bởi 3 yếu tố chủ yếu:
- Sự khéo léo hoặc kỹ năng làm việc gì đó,
- Tránh mất thời gian khi chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác,
- Sử dụng máy móc hợp lý.
Trong đó 2 yếu tố đầu đến từ sự phân công lao động, thay vì để cho tất cả mọi người trong xã hội làm những công việc giống nhau thì mỗi người nên làm những công việc mình giỏi nhất và sau đó trao đổi sản phẩm, dịch vụ với nhau.
Adam Smith đã đưa ra một bằng chứng về sự phân công lao động làm tăng vượt bậc năng suất lao động của một xí nghiệp nhỏ gồm 10 công nhân làm đinh ghim như sau:
“Một người chuyên kéo dây thép, một người khác nắn cho thẳng, người thứ ba cắt dây thành những đoạn nhỏ, người thứ tư mài nhọn dây thép, người thứ năm tán đầu đoạn dây để lắp đầu đinh ghim, để làm được đầu đinh ghim đòi hỏi phải thực hiện hai hoặc ba thao tác; để lắp đầu đinh ghim là một việc khác hẳn, làm cho đinh ghim trở thành trắng bóng lại là một việc khác nữa; thậm chí đóng gói đinh ghim cũng là một nghề, và muốn làm thành một cái đinh ghim, người ta phải tiến hành 18 thao tác khác nhau… Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân nhưng với máy móc cần thiết được trang bị, khi bắt tay vào sản xuất với tất cả sự nỗ lực của mình, họ có thể cùng nhau làm ra vào khoảng 12 pao đinh ghim một ngày. Một pao có khoảng hơn 4.000 đinh ghim cỡ trung bình. Như vậy 10 người công nhân có thể cùng nhau làm được tới 48.000 đinh ghim chỉ trong một ngày công. Nếu đem chia cho mười người, thì một người làm được 4.800 đinh ghim một ngày. Nhưng nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp với nhau, và hơn nữa nếu họ không được huấn luyện về nghề này, thì chắc chắn mỗi người trong số họ không thể làm nổi được 20 hoặc thậm chí một đinh ghim trong một ngày công”.
Sự phân công lao động là sự phân chia quá trình lao động sản xuất thành những thao tác cho từng người thực hiện. Sự phân công lao động đã biến những thao tác của quá trình sản xuất thành những nghề nghiệp chuyên môn của người lao động, nhờ vậy mà làm tăng năng suất lao động của mỗi người lên gấp bội so với lao động không có sự phân công của từng người riêng lẻ thực hiện. Trong trường hợp sản xuất đinh ghim mà Adam Smith phân tích, năng suất lao động đã tăng lên gấp 240 lần thậm chí là 4.800 lần so với năng suất lao động không được phân công.
Sự phân công lao động phụ thuộc vào mức độ trao đổi và quy mô, tính chất của thị trường. Trong một thị trường nhỏ bé, đơn giản thì sự phân công lao động cũng đơn giản, tức là không ai muốn chuyên tâm vào một công việc gì vì không có khả năng trao đổi sản phẩm dư thừa do sức lao động của mình làm ra để lấy sản phẩm của người khác.
Khi hoạt động thương mại ngày càng lớn thì sự phân công lao động càng lớn và dẫn tới năng suất lao động tăng. Sự phân công lao động cũng tăng lên khi giao thông được cải thiện.
- Tiền – Money
Khi sự phân công lao động được thiết lập, mỗi người chỉ tự cung cấp cho anh ta một lượng nhỏ hàng hóa anh ta thực sự cần. Thay vào đó, anh ta tham gia vào trao đổi.
Theo Adam Smith, sự phân công lao động là kết quả của nhu cầu trao đổi, thị trường chỉ là “một hậu quả tất yếu của thiên hướng thuộc bản chất con người… đó là thiên hướng muốn đổi chác hoặc trao đổi vật này lấy vật khác”. Adam Smith nhấn mạnh rằng ý nghĩa của trao đổi là ở chỗ: “Anh cho tôi thứ mà tôi thích, anh sẽ có thứ mà anh yêu cầu”.
Chính nhờ nguyên tắc trao đổi ngang giá này, mà Adam Smith còn gọi là “bàn tay vô hình”, mà chúng ta nhận được của nhau những thứ chúng ta cần mà không phải tự mình làm ra mọi thứ.
Tuy nhiên, ban đầu sự trao đổi hàng hóa (hàng đổi hàng) diễn ra kém hiệu quả, phức tạp và đôi khi nhu cầu không phải lúc nào cũng phù hợp.
Trong hoàn cảnh đó, Tiền được sinh ra, nó khắc phục các bất tiện và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa. Có thể nói rằng, tiền làm tăng năng suất trao đổi.
Từ rất sớm, kim loại đã được sử dụng làm tiền vì chúng không bị hư hỏng và có thể được chia thành nhiều phần rồi lại hợp lại làm một. Sau này tiền được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau: tiền giấy, tiền điện tử, …
Miễn là mọi người có niềm tin rằng tiền có thể đổi được thứ khác mà họ cần sau này, họ sẽ vui lòng bán sản phẩm của mình để lấy tiền về. Như vậy, vấn đề ở đây là Niềm tin – niềm tin vào cơ quan phát hành.
- Ba thành phần của giá
Giá trị thực của một sản phẩm: được tính theo lao động. Cái gì đó cần nhiều thời gian hoặc nguồn lực hơn để làm ra thường sẽ có giá cao hơn.
Giá trị của mọi thứ được sản xuất ra bao gồm một hoặc nhiều trong số 3 thành phần sau:
- Tiền lương để trả cho lao động để sản xuất ra sản phẩm đó,
- Lợi nhuận trả cho số vốn đã bỏ ra để thực hiện công việc đó,
- Và tiền thuê đất, trả cho người nắm giữ đất nơi công việc diễn ra
Chúng ta đều biết rằng tiền lương có thể khác nhau giữa các ngành nghề khác nhau. Một người công nhân sẽ yêu cầu mức lương để ít nhất anh ta có thể mua được những nhu cầu thiết yếu cho bản thân và gia đình.
Tương tự như vậy, lợi nhuận của các ngành cũng sẽ khác nhau nhưng không nhiều nếu tính trung bình trong một khoảng thời gian. Càng sử dụng nhiều vốn trong một ngành nhất định, mức độ cạnh tranh càng cao và lợi nhuận có xu hướng giảm.
Theo thời gian, giá trị trung bình của mức lợi nhuận trên vốn sẽ tương đối đều nhau giữa các ngành. Điều này là do ở ngành nào có lợi nhuận cao thì sẽ có động cơ dịch chuyển vốn tới đó và khi lợi nhuận thấp sẽ có động cơ loại bỏ bớt vốn. Nó làm khôi phục lại trạng thái cân bằng.
Yếu tố khác biệt nhất ở đây là tiền thuê nhà. Số tiền bạn phải trả để mua đất có liên hệ chặt chẽ với giá thuê đất bạn mong muốn nhận được. Do đó, tỉ lệ tạo nên giá của một sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào loại đất ở đó.
Chủ sở hữu sẽ cố gắng bán mảnh đất của mình hoặc cho thuê để kiếm lời. Giá thuê cũng phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của mảnh đất. Bất động sản ở thành phố hoặc bãi biển đẹp nơi có nhiều người sinh sống, du lịch sẽ thu được nhiều tiền hơn.
Và một phần trong sự khác biệt giá sản phẩm hoặc dịch vụ bằng mức lương cần thiết để duy trì cuộc sống của người lao động ở những nơi khác nhau đó.
Giá của một sản phẩm, dịch vụ cũng được xác định bởi cung cầu. Trên thực tế, nó được xác định bởi “nhu cầu thực tế” tức là nhu cầu về một sản phẩm ở một mức giá để nó cho phép trả lương cho công nhân, lợi nhuận cho các chủ doanh nghiệp và tiền thuê nhà cho chủ đất.
- Tại sao một số ngành trả lương cao hơn ngành khác
Sức lao động cũng là một loại hàng hóa đặc biệt. Tiền lương trả cho người lao động cũng được quyết định bởi cung và cầu cũng giống như mọi thứ khác. Adam Smith đưa ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến lương cho một công việc cụ thể:
- Chi phí và mức độ khó khăn để khi học: một công việc đòi hỏi sự đào tạo khó khăn, đắt tiền có xu hướng được trả công cao hơn loại công việc được đào tạo dễ dàng, rẻ tiền
- Sự không nhất quán trong thanh toán: Vì yếu tố này mà việc làm thuê ngắn hạn, một tuần, một tháng thường được trả công cao hơn làm thuê dài hạn hàng tháng hoặc hàng năm
- Sự tin tưởng và trách nhiệm: Nghề nào đòi hỏi sự tin cậy càng cao vào người lao động thì nghề đó càng được trả công cao.
- Khả năng thành công không cao: công việc nào mà càng ít khả năng thành công bao nhiêu thì người làm được công việc đó sẽ được trả công càng nhiều bấy nhiêu.
- Mức độ hấp dẫn, lý thú hay buồn tẻ, khó nhọc: như độ sạch sẽ dễ chịu hay bẩn thỉu khó chịu, mức độ vinh dự hay nhục nhã mà công việc đem lại cho người lao động.
Cả năm yếu tố này đều gắn với thị trường, loại công việc nào càng ít người sẵn sàng làm thì càng được trả công cao. Do đó, có thể bổ sung vào danh sách nêu trên yếu tố thứ sáu là yếu tố thị trường lao động.
- Tích lũy và sử dụng vốn
Một người có thể sử dụng tiền của mình để mua các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cuộc sống của mình. Thói quen chi tiêu sẽ quyết định đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.
- Các dịch vụ dành cho tiêu dùng: bạn sẽ ngay lập tức tiêu dùng chúng như các kỳ nghỉ, ăn uống, xem phim, …
- Các sản phẩm mất giá kể từ thời điểm mua, tất nhiên bạn vẫn có thể bán chúng sau này như: ô tô, quần áo, điện thoại, …
- Các tài sản không mất giá trị như nhà để ở, đồ cổ, tranh,…
- Các khoản đầu tư: đây là một danh mục rất rộng và kỳ vọng tạo ra nhiều tiền mặt trong tương lai: đầu tư vào bản thân, thị trường chứng khoán, bất động sản, …
Để trở nên giàu có, một người phải dùng tiền của mình để xây dựng tài sản, các khoản đầu tư chứ không phải các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.
Đối với các quốc gia cũng vậy, nếu họ chỉ mua sản phẩm, dịch vụ thì tiền sẽ chảy ra khỏi quốc gia đó mà không được thay thế bằng thứ khác có giá trị.
Một quốc gia trở nên giàu có phải tăng năng suất của mình bằng cách đầu tư vào giáo dục toàn dân để nâng cao kỹ năng và sự khéo léo của họ hoặc mua tài sản từ các quốc gia khác. Chúng ta nên tập trung vào những gì mình giỏi bẩm sinh và thuê ngoài những việc còn lại.
- Toàn cầu hóa – Con đường tắt để gia tăng sự giàu có
Từ quan điểm của sự giàu có, chúng ta nên làm những gì chúng ta giỏi nhất. Kiếm tiền từ việc đó và sau đó thuê người khác giỏi hơn trong những việc chúng ta cần.
Ví dụ, Mỹ rất có thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm, giải trí,… Trong khi đó, Trung Quốc giỏi trong việc sản xuất ra các sản phẩm với giá rất thấp, vì vậy họ đã trở thành công xưởng của thế giới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều hoạt động hiệu quả hơn và gia tăng sự giàu có của họ chỉ nhờ vào việc làm những gì họ giỏi nhất sau đó trao đổi với các quốc gia khác.
- Thương mại tự do là ưu việt, Chính phủ không nên can thiệp vào
Như trong phần trước chúng ta đã nói, tiền sẽ tự động chảy đến nơi có lợi nhuận cao và chạy khỏi những nơi lợi nhuận kém. Trong một xã hội mà chính phủ không can thiệp, 2 quy tắc sau sẽ định hướng dòng vốn:
- Vốn được sử dụng một cách tự nhiên ở nơi có thể tạo ra lợi nhuận lớn nhất
- Vốn được ưu tiên sử dụng ở trong nước vì nó ít rủi ro hơn.
Vì 2 lý do này mà việc Chính phủ can thiệp vào thị trường là hoàn toàn không hiệu quả.
- Mục đích của Chính phủ
Theo Adam Smith, Chính phủ không nên can thiệp vào thị trường nhưng cần làm một số nhiệm vụ trong xã hội mà thị trường ít hoặc không quan tâm đến việc giải quyết.
- Bảo vệ đất nước: một quốc gia phải có khả năng tự vệ để duy trì sự giàu có
- Hệ thống tư pháp: công lý như một chi phí mang lại lợi ích cho mọi người
- Cơ sở hạ tầng: đường xá, cầu cảng, …
- Hệ thống giáo dục
- Chính phủ nên được tài trợ thế nào
Thuế là nguồn thu của Chính phủ để tài trợ cho các nhiệm vụ ở trên. Dưới đây là 4 nguyên tắc để tạo ra các loại thuế tốt:
- Bình đẳng: mọi người nên đóng thuế tương ứng với khả năng của mình và tương ứng với doanh thu
- Sự rõ ràng: thời gian, số lượng, cách thức thanh toán, … phải luôn rõ ràng.
- Tiện lợi: người dân và doanh nghiệp dễ dàng nộp thuế
- Hiệu quả: các loại thuế không nên khiến người dân cảm thấy bị áp lực
Lời Kết
Adam Smith chắc chắn không biết bàn tay vô hình nào đã thúc giục ông dành cả chục năm để hoàn thành cuốn sách này. Hơn 200 năm sau, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn còn tìm thấy ở kiệt tác “cổ điển” này của Smith những ý tưởng cơ bản, quan trọng về thị trường, nhà nước, sự phân công lao động, chuyên môn hoá và chính sách phát triển kinh tế – xã hội và nhất là những bài học kinh điển cần được áp dụng trong lãnh đạo, quản lý xã hội như một “hệ thống tự do phát triển tự nhiên”.
Bài viết trên không thể nói lên hết những tinh hoa trong kiệt tác này nhưng cũng đã tóm tắt những nội dung chính của nó. Hy vọng nó sẽ hữu ích cho bạn đọc. Hãy để lại bình luận nếu bạn có góp ý với chúng tôi.