Thủ thuật gian lận kế toán (financial shenanigans) là những phương pháp mà ban điều hành dùng để thao túng nhà đầu tư/ cổ đông hiểu sai về tình hình kinh doanh, dòng tiền hoặc sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Những nhà đầu tư/ cổ đông không sắc sảo sẽ tưởng rằng doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tốt.
Có thể phân loại các thủ thuật gian lận kế toán thành 3 loại:
- Thao túng lợi nhuận
- Thao túng dòng tiền
- Thao túng hoặc trình bày sai những số liệu kinh doanh quan trọng
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về 3 loại thủ thuật này trong bài viết dưới đây:
I. Thao túng lợi nhuận:
Về bản chất, có 2 cách mà ban lãnh đạo có thể thao túng tăng lợi nhuận nhằm đánh lừa cổ đông/ nhà đầu tư để trục lợi là thổi phồng doanh thu và giấu chi phí.
1. Thao túng lợi nhuận bằng cách thổi phồng doanh thu
Nhằm mục đích làm đẹp kết quả sinh lời ngắn hạn của doanh nghiệp qua đó gián tiếp làm tăng giá hoặc giữ giá cổ phiếu ở mức cao trước các đợt niêm yết/ phát hành thêm … ban lãnh đạo sẽ thổi phồng doanh thu trong khi thực tế không hề có dòng tiền nào vào doanh nghiệp. Có thể kể đến một số thủ thuật thổi phồng doanh thu như:
a. Big bet on the Future hay còn gọi là Record revenue too soon: Doanh nghiệp ghi nhận trước doanh thu tương lai quá sớm.
Doanh nghiệp “đánh cược vào tương lai” bằng cách áp dụng các lỗ hổng trong quy định của chuẩn mực kế toán để ghi lợi nhuận có thể thu được trong tương lai vào năm hiện tại. Họ có thể sử dụng các kỹ thuật như ghi nhận doanh thu trước khi bàn giao sản phẩm; ghi phần doanh thu cao hơn so với khối lượng công việc nhận được trong tương lai; ghi nhận doanh thu trước khi khách hàng chấp nhận; ghi nhận doanh thu khi khả năng thanh toán của khách hàng còn chưa chắc chắn.
Những doanh nghiệp thường xuyên sử dụng thủ thuật này thường nằm trong các ngành nghề có sản phẩm/ dịch vụ tương đối khó xác định nên việc dịch chuyển lùi doanh thu rất khó để kiểm tra. Các ngành nghề như ngân hàng, tài chính, bất động sản, xây dựng là những ví dụ cụ thể.
Để đánh giá được những doanh nghiệp này, những nhà đầu tư cẩn trọng cần chú ý đến khoản phải thu ngắn hạn, đem so sánh với tổng tài sản, khoản phải trả ngắn hạn cũng như doanh thu hàng năm. Ngoài ra cần xem xét đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh CFO.
b. Sale and Lease back: Bán và tái thuê
Đây là một hình thức thuê trong đó: người thuê bán tài sản của chính mình cho người cho thuê (thường là công ty cho thuê tài chính) và nhận được tiền bán tài sản; đồng thời kí luôn hợp đồng thuê mua lại chính tài sản mà họ vừa bán. Định kỳ, bên đi thuê phải trả tiền thuê cho bên cho thuê và thực hiện các điều kiện khác tùy vào phương thức thuê mua.
Các doanh nghiệp sử dụng thủ thuật Bán và tái thuê để tăng doanh thu và lợi nhuận. Thủ thuật này thường được sử dụng ở các công ty thuê tài sản như ngành hàng không hay bán lẻ.
Để có thể phát hiện các thủ thuật này, nhà đầu tư cần cần cẩn trọng xem xét khoản mục doanh thu từ hoạt động tài chính cũng như các giao dịch mua bán đáng ngờ.
c. Take a Big Bath: Gột rửa báo cáo tài chính
Đây là thuật ngữ chỉ việc công ty cố tình thao túng báo cáo kết quả kinh doanh, để thấy khoản lỗ rất lớn nhưng kèm theo đó tình hình sẽ tốt hơn trong tương lai.
Để thực hiện thủ thuật Take a Big Bath, công ty sẽ trì hoãn các khoản phải thu sang năm sau, trả trước chi phí để giảm bớt lợi nhuận năm nay, … Sang năm tiếp theo, công ty sẽ tiến hành xóa bỏ những khoản mục “treo” trên bảng cân đối kế toán nhằm “gột rửa” báo cáo tài chính, vẽ bức tranh tươi sáng hơn về tình hình kinh doanh của mình.
Ngoài ra, dưới tác động của Take a Big Bath, doanh thu và lợi nhuận có chiều hướng tích cực trong tương lai. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về hiệu quả hoạt động công ty, cổ phiếu có thể được đẩy giá nhanh chóng.
Để tìm kiếm các dấu hiệu của thủ thuật này, ta cần xem xét xu hướng của khoản mục khoản phải thu hàng năm và tỉ trọng của nó trong tổng tài sản.
d. Cookie Jar Reserve: Lọ kẹo ngọt
Đây là thuật ngữ chỉ về phần thu nhập được công ty giấu kín. Đợi đến khi công ty không đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, các kế toán viên nội bộ có thể bốc lợi nhuận trong lọ bánh Cookie Jar để thổi phồng các con số.
Thông thường thủ thuật Cookie Jar được sử dụng để tạo ra các khoản lợi nhuận được ghi nhận vào các năm sau. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách ghi nhận các khoản dự phòng, hạch toán trước chi phí hoặc trì hoãn ghi nhận doanh thu.
e. Record bogus revenue hay còn gọi là Use of SPEs: Ghi nhận doanh thu ảo
Doanh nghiệp sử dụng các “đơn vị có mục đích đặc biệt – SPEs” nhằm tạo doanh thu ảo, giấu nợ.
Cụ thể hơn, họ có thể bán 1 lô hàng sang công ty SPEs sau đó công ty SPEs sẽ làm giấy tờ ký quỹ lô hàng ngược trở lại – ghi nhận khoản phải thu và doanh thu tương ứng. Hoặc họ có thể ký khống 1 hóa đơn cho dịch vụ nào đó với công ty thuộc bên liên quan, sau đó hạch toán phải thu và doanh tu tương ứng trong khi không hề có dịch vụ nào mà họ cung cấp tương ứng với giá trị đó.
Những doanh nghiệp dạng này hầu hết là các công ty có quy mô vừa và nhỏ, cơ cấu cổ đông không có đối trọng để giám sát. Ngoài ra, ban lãnh đạo của nhóm này tường rất năng động trong việc chào mời cổ phiếu của công ty.
Để phát hiện ra các dấu hiệu đáng ngờ, những lá cở đỏ trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ta cần: so sánh doanh thu của công ty đó với các doanh nghiệp đầu ngành; xem xét kỹ dòng tiền của doanh nghiệp; quan sát kỹ xu hướng và tỷ trọng của khoản phải thu so với doanh thu hay tổng tàn sản.
f. Cherry picking hoặc Boosting income by 1 time: Ghi nhận doanh thu bất thường/ 1 lần
Ban điều hành có thể có rất nhiều cách sáng tạo để ghi nhận doanh thu bất thường như: đánh giá lại tài sản hoặc đẩy giá cổ phiếu hoặc các khoản đầu tư tài chính vào ngày chốt báo cáo, đặc biệt là các tài sản có thanh khoản thấp; bán tài sản hoặc công ty con với giá cao hơn thực tế; M&A một công ty mới, …
Những doanh nghiệp có mô hình holdings kim tự tháp, có nhiều công ty liên kết có điều kiện thận lợi để thực hiện các thủ thuật này.
Để phát hiện ra các dấu hiệu gian lận của các công ty này, ta cần soi xét kỹ thuyết minh báo cáo tài chính, đặc biệt là phần các giao dịch với bên liên quan cũng như phần bóc tách khoản thu nhập tài chính và lợi nhuận khác.
2. Thao túng lợi nhuận bằng cách giấu chi phí
Ban lãnh đạo ma mãnh có thể thao túng lợi nhuận bằng cách giấu chi phí thông qua các thủ thuật như: đẩy lùi chi phí hiện tại sang tương lai; hoặc giấu lỗ, không dự phòng, giấu chi phí bất thường.
a. Đẩy lùi chi phí hiện tại sang tương lai
Cách phổ biến nhất mà các doanh nghiệp có thể đẩy lùi chi phí hiện tại sang tương lai là việc vốn hóa các chi phí sản xuất, chi phí hoạt động, chi phí lãi vay, … vào tài sản cố định sau đó khấu hao.
Theo nguyên tắc kế toán, các chi phí giúp doanh nghiệp tạo ra lợi ích trên 1 năm có thể được vốn hóa thành tài sản và phân bổ dần trong từng kỳ. Nhưng trong nhiều trường hợp họ vốn hóa cả các chi phí quảng cáo, khuyến mãi hay chi phí tiếp khách, tiệc tùng … vào tài sản cố định rồi đem khấu hao trong 10 – 20 năm.
Có thể phát hiện ra các dấu hiệu gian lận này bằng việc soi xét kỹ dòng tiền tự do của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần chú ý đến khoản mục tài sản cố định hàng năm có tăng mạnh hay chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản hay không?
b. Giấu lỗ, giấu chi phí
Những doanh nghiệp ngành đầu tư tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán là nhóm dễ có điều kiện để che đậy các hoạt động giấu chi phí của mình.
Ví dụ điển hình là các doanh nghiệp có thể giảm trích lập dự phòng hay các ngân hàng có thể chuyển nợ xấu ra ngoại bảng. Việc này có thể xảy ra ở cuối chu kỳ khi động lực tăng trưởng tín dụng không còn.
Đối với các trường hợp này, ta cần chú ý đến xu hướng trích lập dự phòng với khoản phải thu, các khoản mục ngoại bẳng và các khoản đầu tư dài hạn chưa niêm yết.
II. Thao túng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO)
1. Đổi dòng tiền từ hoạt động khác sang dòng tiền CFO hoặc ngược lại
Có thể nói thủ thuật thao túng dòng tiền này tương đối cao cấp và ít gặp ở Việt Nam. Trong đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp có thể dùng dòng tiền vào của dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) hoặc dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF) để chuyển sang dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) và ngược lại, chuyển dòng tiền chi ra từ CFO để chuyển sang CFI hoặc CFF.
Ví dụ với mô hình holdings, 1 công ty con được nhận khoản vay từ công ty mẹ. Thay vì hạch toán là dòng tiền vào từ hoạt động tài chính CFF thì họ có thể hạch toán thành dòng tiền trả trước cho hoạt động kinh doanh CFO từ các nhà cung cấp, qua đó làm tăng CFO trong ngắn hạn lên.
Hay như trường hợp các doanh nghiệp vốn hóa chi phí vào tài sản cố định. Bằng cách này, dòng tiền ra từ CFO như chi phí hoạt động, chi phí lãi vay được cộng thêm vào tài sản cố định khiến dòng tiền CFI bị thổi phồng lên.
2. M&A hoặc thu nhập 1 lần để thổi phồng CFO
Các doanh nghiệp có thể thao túng dòng tiền kinh doanh bằng cách đi thâu tóm, M&A hoặc dùng các hoạt động bất thường như thanh lý hàng tồn kho hay bán khoản phải thu để thúc đẩy dòng tiền.
Để phát hiện và tránh xa các công ty thao túng dòn tiền từ hoạt động kinh doanh ta cần nhìn vào xu hướng dòng tiền tự do CFF và tỷ suất sinh lợi ROIC.
III. Thao túng các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng
1. Chỉ đưa ra những chỉ tiêu kinh doanh có lợi một cách thái quá
Với mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ có một hoặc một vài chỉ tiêu quan trọng có thể là mục tiêu để thao túng. Chẳng hạn như với ngành bán lẻ, chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng (same – store sales) là rất quan trọng. Nhưng chỉ tiêu này là một trong những thứ dễ bị thao túng. Họ có thể thay đổi cách tính SSS như kéo dài thời gian mở mới cửa hàng từ 12 tháng lên 18 tháng; hoặc có thể loại trừ các cửa hàng có doanh thu thấp bằng cách nói rằng những mô hình đó là để thử nghiệm…
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại đến khi đột nhiên ta thấy công ty không công bố số liệu quan trọng nào đó mà họ thường công bố ở các kỳ trước nữa. Có khả năng rất cao là tình hình kinh doanh của họ đang gặp vấn đề.
Ví dụ như trong giai đoạn bull market 2020 – 2022 vừa qua, một công ty chứng khoán lớn đều đặn công bố số lượng tài khoản mở mới của tại công ty, chiếm tỷ trọng khá lớn so với tổng số tài khoản mở mới của toàn thị trường. Tuy nhiên từ quý 2/2022 thì công ty đã ngừng công bố chỉ tiêu này thì chúng ta biết rằng nguồn thu và tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể sau đó.
2. Thao túng bảng cân đối kế toán để che giấu sự yếu kém về mặt tài chính
Các ngân hàng thương mại có thể dùng nhiều cách để công bố con số nợ xấu thấp hơn đáng kể: có thể chuyển một phần nự xấu ra các khoản cam kết, bảo lãnh cho vay ngoại bảng; họ có thể chuyển phần lãi “không thể thu” vào khoản lãi dự thu;
Hay như công ty chứng khoán có thê ngừng sử dụng phương pháp neo giá theo giá thị trường (mark to market) với nhứng khoản đầu tư chưa niêm yết ở thị trường OTC. Đôi khi những khoản đầu tư này có mức giá giảm nghiêm trọng trên thực tế hoặc gần như mất vốn nhưng các công ty chứng khoán không hề trích lập dự phòng, từ đó thổi phồng con số giá trị sổ sách (Book value) hơn.
Tạm kết
Ban lãnh đạo các công ty vẫn liên tục sáng tạo ra các thủ thuật khác nhau để thao túng báo cáo tài chính, đánh lừa các nhà đầu tư. Để đối phó với các doanh nghiệp này, không có cách nào khác cho các nhà đầu tư tốt hơn việc học hỏi không ngừng để có cái nhìn sâu sắc về nhiều ngành nghề khác nhau.
Qua bài viết này, chúng tôi hi vọng bạn đọc có thể nhận diện một số thủ thuật gian lận tài chính điển hình qua đó tự bảo vệ mình trong thị trường tài chính.