EBIT và EBITDA: Cách áp dụng trong đầu tư

Là một nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp, bạn cần phải nắm bắt được các số liệu tài chính quan trọng để đo lường hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. EBIT và EBITDA là 2 trong số các số liệu quan trọng này, đặc biệt với các doanh nghiệp M&A.

Bài viết này của chúng tôi sẽ giúp bạn biết mọi thứ cần biết và giúp loại bỏ sự nhầm lẫn ra khỏi các số liệu này. Điều này sẽ cho phép bạn sử dụng những chỉ số này một cách hiệu quả hơn khi đánh giá một doanh nghiệp.

EBIT là gì?

EBIT là viết tắt của Earnings Before Interest and Tax, hay Lợi nhuận trước lãi vay và thuế. Đây là một chỉ tiêu tài chính cực kỳ hữu ích khi bạn muốn đánh giá lợi nhuận của 1 doanh nghiệp. Vì nó nhìn cụ thể vào thu nhập mà doanh nghiệp tạo ra từ hoạt động cốt lõi của mình.

Công thức tính EBIT

EBIT = Lợi nhuận sau thuế + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay

Hay: EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay

Ý nghĩa của EBIT trong phân tích

Với việc loại bỏ 2 chi phí là:

  • Chi phí lãi vay liên quan đến nợ vay (tức, cấu trúc vốn)
  • Chi phí thuế liên quan đến thuế (liệu doanh nghiệp có được ưu đãi thuế hay không?)

EBIT giúp tập trung vào khả năng tạo ra thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

EBIT giúp bạn xem xét:

  • Khả năng doanh nghiệp kiểm soát các loại chi phí ra sao?
  • Hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận như thế nào khi không phải lo lắng về thuế và lãi vay?
  • Liệu doanh nghiệp có tạo ra thu nhập đủ để sinh lời, trả nợ và tài trợ cho các hoạt động khác đang diễn ra hay không?

Cũng nhờ loại bỏ sự khác nhau giữa cấu trúc vốn và thuế suất giữa các doanh nghiệp, chỉ tiêu EBIT giúp nhà đầu tư dễ dàng so sánh với các doanh nghiệp khác.

Ứng dụng của EBIT trong đầu tư

#1. EBIT margin

EBIT margin (Biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế) là một chỉ tiêu tài chính, thể hiện hiệu quả quản lý các chi phí hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm: giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…)

EBIT margin = EBIT / Doanh thu thuần

Ý nghĩa: 1 đồng doanh thu thuần doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT).

Thông thường, một doanh nghiệp có EBIT margin cao, và duy trì trong nhiều năm, thường là những doanh nghiệp có khả năng kiểm soát chi phí tốt. Bạn có thể bắt đầu đi vào nghiên cứu những doanh nghiệp có EBIT margin ổn định, duy trì trên 15%

#2. Mô hình Dupont 5 nhân tố: Mối liên hệ giữa EBIT và ROE

Mô hình Dupont 5 nhân tố là một phương pháp rất hữu ích giúp nhà đầu tư cũng như chủ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể:

Trong các chỉ tiêu tài chính, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất.

Vì vậy, để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ROE của doanh nghiệp, chúng ta sẽ phân tích ROE thành 1 chuỗi các tỷ số tài chính.

Moi-lien-he-EBIT-ROE-qua-mo-hinh-Dupont

Bằng việc phân tách này, bạn có thể biết được nhân tố chính nào đứng đằng sau, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ đó biết được cách DN nâng cao tỷ suất lợi nhuận ROE thông qua việc:

  • Nâng cao đòn bẩy tài chính,
  • Cải thiện hiệu suất sử dụng vốn,
  • Tăng doanh thu hay giảm chi phí…

5 nhân tố ảnh hưởng đến ROE bao gồm:

  • LNST/LNTT: Hay còn được gọi là Hệ số gánh nặng thuế (Tax Burden)

Giá trị của nó phản ánh mức thuế mà doanh nghiệp phải chịu, và chính sách của doanh nghiệp sẽ là cố gắng tối thiểu hóa gánh nặng thuế.

  • LNTT/EBIT: Hệ số Gánh nặng lãi vay (Interest Burden).

Dễ thấy, LNTT/EBIT của doanh nghiệp lớn nhất khi không có các khoản thanh toán lãi vay cho chủ nợ (không vay nợ). Khi đó, giá trị cao nhất và tốt nhất mà hệ số này có thể có được là 1.

Đòn bẩy tài chính càng thấp, hệ số IB sẽ càng cao, và rủi ro tài chính cho các cổ đông sẽ nhỏ.

  • EBIT/Doanh thu thuần: (hay EBIT margin, Biên lợi nhuận hoạt động…)

Như đã trình bày ở trên, chỉ tiêu này phản ánh khả năng kiểm soát các loại chi phí của doanh nghiệp tốt đến đâu như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí QLDN…

  • Doanh thu thuần/Tổng TS bình quân – Vòng quay tổng tài sản:

Tỷ lệ này đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Tỷ lệ này càng cao, chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng tài sản càng hiệu quả, năng lực quản lý tốt.

  • TS bình quân/VCSH bình quân

Thể hiện đòn bẩy tài chính doanh nghiệp, tỷ lệ này còn có thể được viết lại như sau:

Với cùng 1 lượng tài sản, doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính phù hợp trong cơ cấu tài sản có thể tạo ra 1 tỷ suất sinh lời ROE cao hơn 1 doanh nghiệp không dùng đòn bẩy.

Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính sẽ làm tăng rủi ro. Nợ vay làm cho doanh nghiệp dễ nhạy cảm hơn với chu kỳ kinh tế, nhất là trong giai đoạn khó khăn, doanh thu giảm.

#3. Khả năng thanh toán lãi vay

EBIT cũng được ứng dụng trong việc tính toán Khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp.

Đây là 1 chỉ số tài chính đo lường khả năng sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh để chi trả lãi cho các khoản vay của doanh nghiệp.

Khả năng thanh toán lãi vay = EBIT / Chi phí lãi vay (I)

Chỉ số này càng lớn, chứng tỏ doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng để chi trả lãi vay.

Ngược lại, một doanh nghiệp vay nợ nhiều, nhưng kinh doanh không hiệu quả, mức sinh lời của đồng vốn thấp (hoặc thua lỗ) thì khó có thể đảm bảo thanh toán tiền lãi vay đúng hạn. Khi đó, EBIT/I sẽ càng thấp.

#4. Chỉ số EV/EBIT

Ngoài những ứng dụng kể trên, EBIT còn được ứng dụng trong định giá doanh nghiệp.

Đó là chỉ số EV/EBIT.

EV/EBIT là một chỉ số định giá phổ biến và được áp dụng để xác định giá trị doanh nghiệp. Chỉ số này giúp bạn đánh giá cổ phiếu với tư cách là một người đi mua lại doanh nghiệp.

Chỉ số được tính toán bằng cách lấy Giá trị doanh nghiệp (EV) chia cho EBIT của doanh nghiệp.

Trong đó: Giá trị doanh nghiệp (EV – Enterprice Value) là toàn bộ giá trị của doanh nghiệp, mà không tính đến cơ cấu vốn của nó và không bao gồm tiền mặt

EV = (Giá cp x Số lượng cp lưu hành) + Vay ngắn hạn và dài hạn + Lợi ích cổ đông thiểu số + Giá trị thị trường của CP ưu đãi – Tiền và các khoản tương đương tiền

Chỉ số EV/EBIT được sử dụng để so sánh toàn bộ giá trị của một doanh nghiệp với phần lợi nhuận EBIT kiếm được hàng năm.

EV/EBIT được đem so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành và nhà đầu tư sẽ quan tâm tới một doanh nghiệp có tỷ lệ EV/EBIT càng thấp càng tốt.

—————

EBITDA là gì?

EBITDA cũng là một chỉ tiêu được sử dụng rộng rãi để phân tích tính hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

EBITDA là viết tắt của Earnings Before Interest, Tax, Depreciation and Amortization, hay Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao.

  • Depreciation: các khoản khấu hao của tài sản hữu hình (thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng, máy móc…)
  • Amortization: khấu hao của tài sản vô hình (bằng sáng chế, thương hiệu…)

Bằng cách tính thêm các yếu tố bổ sung này, EBITDA loại bỏ những ảnh hưởng từ các quyết định về mặt kế toán và tài chính (cách trích khấu hao) gây ra cho phép bạn tập trung hơn nữa vào lợi nhuận thực tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ đó, EBITDA được sử dụng để phân tích và so sánh mức lợi nhuận giữa doanh nghiệp hoặc giữa các ngành với nhau.

Công thức tính EBITDA

EBITDA có thể được tính từ lợi nhuận sau thuế…

(1) EBITDA = Lợi nhuận sau thuế + Thuế TNDN + Chi phí lãi vay + Khấu hao

… Hoặc được tính bằng cách cộng thêm Khấu hao vào EBIT

(2) EBITDA = EBIT + Khấu hao

Với chỉ tiêu “Khấu hao”, bạn có thể lấy ở 1 trong 2 nguồn sau:

  • Từ Bảng Cân đối kế toán: Ở mục Khấu hao lũy kế, lấy năm cần tính trừ đi năm trước
  • Từ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Mục Khấu hao.

Ý nghĩa của EBITDA trong phân tích

Chỉ tiêu EBITDA được nhiều nhà đầu tư ưa thích sử dụng vì nó phản ánh một cách rõ ràng hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

EBITDA loại bỏ các khoản chi phí có thể sẽ che đi những tiến bộ thực sự trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Các khoản chi phí đó là:

  • Lãi vay (Interest)

Lãi vay được loại trừ vì nó phụ thuộc vào cấu trúc tài chính của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khác nhau sẽ có cấu trúc vốn khác nhau, kết quả là chi phí lãi vay khác nhau. Vay nợ càng nhiều, thì chi phí lãi vay càng lớn.

Bên cạnh đó, lãi vay còn là khoản chi phí được khấu trừ thuế, được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một “tấm lá chắn thuế”.

  • Thuế (Tax)

Thuế TNDN không được tính đến vì chúng có thể thay đổi rất nhiều, phụ thuộc vào các khoản lãi, lỗ trong các kì trước, sự biến động này có thể bóp méo lợi nhuận ròng thực tế.

Bên cạnh đó, mức thuế suất có thể khác nhau, phụ thuộc vào khu vực, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

  • Khấu hao (Depreciation and Amortization)

Cuối cùng,  EBITDA loại bỏ đi yếu tố chủ quan, tuỳ ý trong việc tính khấu hao như: giả định về thời gian hữu ích, giá trị thặng dư, hay các phương pháp tính khấu hao khác nhau…

Bằng việc loại trừ các yếu tố này, EBITDA giúp việc so sánh lợi nhuận giữa các doanh nghiệp khác nhau, thậm chí là các ngành công nghiệp trở nên dễ dàng hơn.

Những lầm tưởng mà EBITDA gây ra cho nhà đầu tư

Lầm tưởng EBITDA là đại diện cho dòng tiền

Vì EBITDA loại bỏ chi phí quan trọng là khấu hao tài sản đã khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng, chỉ tiêu này là đại diện cho dòng tiền.

EBITDA là một chỉ tiêu tốt để đánh giá khả năng sinh lời, nhưng nó không phải là thước đo để đánh giá dòng tiền của doanh nghiệp. Bởi EBITDA không tính đến sự thay đổi trong vốn lưu động, dòng tiền tài chính hay dòng tiền đầu tư nên nó không thể thay thế được những chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Lầm tưởng về hiệu quả hoạt động

Vì loại trừ nhiều yếu tố chi phí của doanh nghiệp, thông thường EBITDA cho ra một con số tuyệt đối lớn hơn rất nhiều so với EBIT hay lợi nhuận thuần. Dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp sử dụng chỉ tiêu này để đánh bóng hình ảnh, tạo ra 1 con số kế toán tương đối đẹp về khả năng sinh lời. Khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

EBITDA âm là một cảnh báo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc EBITDA dương là một dấu hiệu tích cực và doanh nghiệp đang thu được lợi nhuận.

Bạn sẽ cần phải phân tích kỹ thêm các chỉ số tài chính khác để chắc chắn rằng, doanh nghiệp không cố tình che giấu sự thật nào đó đằng sau EBITDA.

Ứng dụng của EBITDA trong đầu tư

#1. EBITDA margin – Biên EBITDA

Tương tự EBIT margin, chỉ tiêu EBITDA margin cũng được sử dụng trong phân tích để so sánh doanh nghiệp qua các năm hoặc so sánh với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành.

EBITDA margin được xác định bằng công thức:

EBITDA margin = EBITDA / Doanh thu thuần

Biên EBITDA được coi là tỷ suất lợi nhuận hoạt động tiền mặt của một doanh nghiệp, không tính đến chi phí, thuế và cấu trúc vốn, giúp loại bỏ các tác động của chi phí không dùng tiền mặt.

Biên EBITDA rất hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp có EBITDA margin cao, nghĩa là chi phí hoạt động của doanh nghiệp đó đang thấp hơn so với tổng doanh thu. Do đó doanh nghiệp có biên EBITDA duy trì ở mức cao chứng tỏ đang hoạt động và phát triển tốt.

Bạn có thể đi vào nghiên cứu, đánh giá những doanh nghiệp có EBITDA margin duy trì ổn định ở mức cao.

#2. Chỉ số Nợ vay ròng/ EBITDA (Net Debt/ EBITDA)

Chỉ số Nợ vay ròng/EBITDA cho biết cần khoảng thời gian là bao lâu thì doanh nghiệp có thể trả hết các khoản nợ với mức EBITDA hiện tại.

Nợ vay ròng = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn – Tiền và tương đương tiền

Tỉ lệ nợ ròng/EBITDA thấp thường sẽ là tốt vì khi đó doanh nghiệp đang vay nợ ở mức trong khả năng chi trả của mình. Ngược lại, nếu tỉ lệ này cao, điều đó là đáng lo ngại vì doanh nghiệp đang gặp phải gánh nặng về nợ, khoản nợ này vượt quá khả năng chi trả.

Tùy vào nhu cầu sử dụng vốn của từng ngành mà tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA sẽ khác nhau giữa các ngành. Do đó, tỉ lệ này sử dụng hiệu quả nhất khi so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành với nhau.

#3. Chỉ số EV/EBITDA

EV/EBITDA là chỉ số phổ biến trên thế giới, được các nhà đầu tư dùng để định giá cổ phiếu. Chỉ số này cho biết thời gian cần để có thể thu hồi lại đủ số tiền đã bỏ ra với mức EBITDA xác định (không đổi theo các năm).

Cũng giống như EV/EBIT, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp có EV/EBITDA càng thấp càng tốt.

Kết luận

Mặc dù tồn tại vài hạn chế, nhưng EBIT, EBITDA vẫn là một trong những chỉ tiêu tài chính được sử dụng phổ biến nhất. Bạn nên sử dụng kết hợp với các chỉ tiêu tài chính khác như P/E, P/B, … để có 1 góc nhìn khách quan và chính xác hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Không nên phụ thuộc vào 1 chỉ tiêu duy nhất.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu EBIT, EBITDA nên được so sánh giữa các năm với nhau, so sánh với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc với trung bình ngành để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chúc các bạn thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *