Giá trị nội tại của Doanh nghiệp là gì?

Giá trị nội tại của doanh nghiệp là giá trị thực sự của doanh nghiệp dựa trên việc tính toán tài sản, các dự án đầu tư… Giá trị nội tại của cổ phiếu cũng được tính dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Giá trị nội tại là gì?

Giá trị nội tại (Intrinsic Value) là thuật ngữ chỉ một cách định giá cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư giá trị áp dụng. Thông thường thuật ngữ này dùng để ước tính giá trị thực tế của một công ty cũng như dòng tiền của một doanh nghiệp trong phân tích cơ bản. Giá trị nội tại trong chứng khoán có thể được hiểu đơn giản là giá trị thực của một loại chứng khoán. Khái niệm này hoàn toàn khác với giá trị thị trường và giá trị ghi sổ của loại chứng khoán này. 

Hiểu một cách đơn giản, bất kể thị trường định giá cổ phiếu là bao nhiêu thì cổ phiếu đó vẫn luôn cung cấp cho người sở hữu một giá trị nhất định. Từ tên gọi “giá trị nội tại” có thể hiểu “nội tại” ở đây có nghĩa là giá trị được định giá bên trong của cổ phiếu và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường bên ngoài. 

Giá trị đó khó có thể định vị được một cách chính xác, mà tính bằng những dòng tiền mà người sở hữu cổ phiếu dài hạn sẽ được nhận. Chiết khấu những dòng tiền này về thời điểm hiện tại sẽ cho ta giá trị nội tại của cổ phiếu đó.

Ý nghĩa của giá trị nội tại

Giá trị nội tại là một nhân tố quan trọng để nhà đầu tư phân tích và đánh giá một khoản đầu tư. Thông qua việc phân tích giá trị này, nhà đầu tư có thể đánh giá nhiều yếu tố như mô hình kinh doanh, quản trị, ước định và phân tích báo cáo tài chính. Những yếu tố này sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá các khoán chứng khoán, doanh nghiệp toàn vẹn, từ đó đưa ra phương pháp đầu tư hợp lý. 

Việc phân tích giá trị này giúp sẽ đưa ra được số liệu để định giá tài sản của doanh nghiệp cao hay thấp. Nhờ vậy mà nhà đầu tư có thể biết được giá trị tài sản của doanh nghiệp và đầu tư đúng đắn. 

Phương pháp ước tính giá trị nội tại doanh nghiệp

Để ước tính giá trị nội tại thì cần phải dùng nhiều cách khác nhau. Những cách phổ biến để ước tính giá trị này bao gồm việc phân tích dòng tiền, số liệu tài chính hoặc dựa trên tài sản. 

Phân tích dòng tiền chiết khấu

Một cách phổ biến để ước tính giá trị nội tại của một loại chứng khoán đó là dùng dòng tiền chiết khấu. Qua việc nghiên cứu những báo cáo tài chính của doanh nghiệp, bạn sẽ tính ra được dòng tiền chiết khấu.

Cách tính giá trị này thông qua dòng tiền chiết khấu phải thực hiện một số thao tác sau:

  • Ước tính được dòng tiền chiết khấu phát sinh trong tương lai của doanh nghiệp
  • Tính toán giá trị hiện tại của những dòng tiền được ước tính sẽ phát triển trong tương lai
  • Tính tổng giá trị hiện tại để đưa ra giá trị nội tại của chứng khoán. 

Phân tích dựa trên số liệu tài chính

Nếu dựa trên số liệu tài chính, nhà phân tích sử dụng các công thức để cho ra kết quả của giá trị này. Nhìn chung, cách ước tính giá trị sẽ dùng tỷ lệ giá trên thu nhập, công thức thường được áp dụng như sau:

Giá trị nội tại = Thu nhập trên mỗi cổ phiếu x (1 + r) x tỷ lệ P/E

Trong đó:

  • r là tỷ suất lợi nhuận có thể nhận được khi đầu tư
  • P/E là tỷ lệ giá trên thu nhập.

Ước tính dựa trên tài sản

Nếu ước tính giá trị dựa trên tài sản vốn có thì sử dụng công thức:

Giá trị nội tại = Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả của công ty.

Mối quan hệ giữa giá thị trường và giá trị nội tại

Khi một công ty quyết định cổ phần hóa và bán cổ phiếu của mình ra thị trường chứng khoán thì giá trị của cổ phiếu sẽ được tính toán và quyết định ở mức giá cao nhất mà người mua sẵn sàng trả. Tuy nhiên, liệu giá thị trường mà các nhà đầu tư sẵn sàng giao dịch có thực sự bằng với giá trị nội tại của mỗi cổ phiếu, và điểm gì khiến cho giá thị trường khác với giá trị nội tại của cổ phiếu?

Tài sản chỉ được coi là có giá trị nội tại nếu nó tạo ra dòng tiền cho các nhà đầu tư. Dòng tiền có thể là cổ tức, lợi nhuận từ cổ phiếu, lợi nhuận từ bất động sản…

Giá thị trường là giá cổ phiếu hiện đang được giao dịch trên sàn chứng khoán, có thể lấy giá dựa trên giao dịch gần nhất hoặc giá chốt phiên gần nhất để xác định giá thị trường của cổ phiếu đó. Giá thị trường hiếm khi phản ánh đúng giá trị nội tại bởi không phải lúc nào nhà đầu tư cũng đánh giá chính xác thực lực và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp bị đánh giá thấp dẫn đến thị giá thấp hơn giá trị nội tại. Những doanh nghiệp được đánh giá cao hơn thực tế sẽ có thị giá cao hơn so với giá trị thực bên trong. Đôi khi, thị giá cao hay thấp cũng do cung cầu quyết định.

Đối với các nhà đầu cơ, họ thường bỏ qua việc xem xét giá trị nội tại của cổ phiếu mà chỉ chú ý đến thị giá và nhu cầu về cổ phiếu đó, mã cổ nào có nhu cầu cao, đang trên đà tăng giá thì các nhà đầu cơ sẽ mua gom và bán ra ngay khi được giá.

Ngược lại, các nhà đầu tư thường xem xét giá trị nội tại – giá trị thực của doanh nghiệp để rót vốn đầu tư lâu dài nhằm thu về lợi nhuận ổn định, dài lâu.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị nội tại của doanh nghiệp. Qua đó có thể lựa chọn được những doanh nghiệp tốt, có khả năng chống chịu được khi thị trường chung suy thoái.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *