Định nghĩa
Giá trị ghi sổ hay còn gọi là giá trị sổ sách (Book Value) là giá trị của một doanh nghiệp xét theo giá trị toàn bộ tài sản của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ phải trả. Hay giá trị sổ sách của một doanh nghiệp là tổng tài sản trừ đi tài sản vô hình và nợ phải trả.
Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (Book Value per Share) là giá trị sổ sách tính trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Đây là một biến số để tính toán chỉ số P/B (Price to Book ratio), chỉ số này dùng để định giá doanh nghiệp.
Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là 1 chỉ số tài chính quan trọng, được sử dụng để so sánh giá của cổ phiếu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó.
Công thức tính
Giá trị sổ sách = (Tổng tài sản – Tài sản vô hình) – (Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn)
= Vốn chủ sở hữu – Tài sản vô hình
Cụ thể:
Trường hợp công ty chỉ phát hành cổ phiếu thường thì giá trị sổ sách của cổ phiếu thường được xác định bằng cách lấy vốn chủ sở hữu hoặc tổng giá trị tài sản thuần (phần giá trị chênh lệch giữa tổng tài sản và tổng nợ) của công ty chia cho tổng số cố phiếu thường đang lưu hành.
Trong trường hợp công ty phát hành cả cổ phiếu ưu đãi thì phải lấy tổng giá trị tài sản thuần trừ đi phần giá trị thuộc cổ phiếu ưu đãi rồi mới chia cho số cổ phiếu thường đang lưu hành.
Phần giá trị thuộc cổ phiếu ưu đãi được tính theo mệnh giá hoặc giá mua lại tùy thuộc vào loại cổ phiếu ưu đãi công ty phát hành và cộng với phần cổ tức công ty còn khất lại chưa trả cho cổ đông ưu đãi trong các kì trước đó nếu có.
Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu = (Tổng tài sản – Tài sản vô hình – Nợ)/Lượng cổ phiếu lưu hành
P/B = Giá thị trường của cổ phiếu (Price)/ Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share)
Ý nghĩa
Giá trị sổ sách cho phép cổ đông thấy được số giá trị tăng thêm của cổ phiếu thường sau một thời gian công ty hoạt động so với số vốn góp ban đầu.
Chỉ số P/B cho biết Giá cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp?
Chỉ số P/B như thế nào là tốt?
Chỉ số P/B cao
Một doanh nghiệp có chỉ số P/B ở mức cao, điều này cho thấy thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị ghi sổ của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến nợ phải trả (đặc biệt là nợ vay) của doanh nghiệp có ở mức cao hay không? Bởi vì:
- Một doanh nghiệp sở hữu số nợ lớn, sẽ vô tình khiến cho Giá trị ghi sổ ở mức thấp. Dẫn tới chỉ số P/B sẽ cao.
- Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao sẽ mang lại những rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nếu tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra thấp hơn chi phí vốn thì khi đó, giá trị doanh nghiệp sẽ suy giảm.
Chỉ số P/B thấp
Có thể nhà đầu tư đánh giá Giá trị thị trường của doanh nghiệp thực tế thấp hơn nhiều so với Giá trị ghi sổ. Vì thế, họ chỉ chấp nhận 1 mức giá thấp hơn cho giá trị sổ sách.
Hoặc, doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách tăng lên. Trong trường hợp này, có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.
Thậm chí khi mà chỉ số P/B nhỏ hơn 1, tức giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang bán với giá thấp hơn cả giá trị ghi sổ.
Khó có thể xác định một giá trị cụ thể cho chỉ số P/B “tốt”. Nó có thể tốt ở ngành này, nhưng sẽ là kém ở một ngành khác.
Chỉ số P/B nếu đứng riêng lẻ thì không có nhiều giá trị. Muốn biết liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không, bạn cần so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình của ngành.
Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số P/B
Ưu điểm của chỉ số P/B
- Giá trị ghi sổ thường luôn dương, nên có thể áp dụng để định giá những doanh nghiệp thua lỗ.
- Giá trị ghi sổ thường ổn định hơn EPS. Do đó, trong nhiều trường hợp, khi EPS biến động quá lớn, thì việc áp dụng P/B để xem xét sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt với ngành ngân hàng và tài chính thì định giá bằng chỉ số P/B là điều cần thiết.
Hạn chế của chỉ số P/B
- Chỉ số P/B chỉ phản ánh giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Chỉ số không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác… Do vậy khi định giá doanh nghiệp cần xem xét tổng thể
- Giá trị ghi sổ có thể không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.
Như vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ dễ bị “đánh lừa” nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số P/B để đánh giá.
Kết luận
Bài viết trên đã giới thiệu khá chi tiết về giá trị sổ sách của cổ phiếu, chỉ số P/B cũng như cách sử dụng các chỉ số này. Do tính chất đơn giản, chân thực nên BV và P/B được sử dụng rất rộng rãi để định giá và so sánh các doanh nghiệp với nhau. Hy vọng bài viết giúp bạn đọc hiểu cách sử dụng các chỉ số này.
Chúc các bạn thành công!