Fibonacci là công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật, được trader sử dụng để xác định các mức kháng cự, hỗ trợ quan trọng và đặt cắt lỗ, chốt lời hiệu quả. Nếu bạn muốn biết Fibonacci là gì, ứng dụng của dãy Fibonacci trong thị trường tài chính như thế nào thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Fibonacci là gì?
Dãy số Fibonacci
Fibonacci là một dãy số vô hạn được bắt đầu bằng số 0 và 1. Những số tiếp theo đều là tổng của 2 số trước đó: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, … Dãy số Fibonacci được phát minh bởi nhà toán học người Ý là Leonardo Fibonacci (1175 – 1250).
Tỷ lệ vàng Fibonacci
Tỷ lệ vàng (φ) là khi lấy tổng của 2 số trong dãy Fibonacci chia cho số lớn hơn sẽ bằng tỷ lệ của số lớn chia cho số nhỏ và đều xấp xỉ 1,618. Tỷ lệ vàng được biểu diễn như sau:
Ví dụ: 34/21 = 1.619 và (34+21)/34 = 1.617 => Hai tỷ lệ này đều xấp xỉ 1,618
Tỷ lệ vàng chính là tỷ lệ khiến mọi thứ trở nên cân đối, hài hòa và người ta phát hiện tỷ lệ vàng này cũng đúng với các vạn vật trong thiên nhiên như: cây dương sỉ, hoa, vỏ sò, dải ngân hà…Ngày nay, dãy Fibonacci và tỷ lệ vàng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: toán học, khoa học, máy tính, nghệ thuật, kiến trúc…
Bên cạnh tỷ lệ vàng 1.618 thì dãy Fibonacci còn có một số tỷ lệ quan trọng như sau:
- 0.618: Tỷ lệ này được tính bằng cách chia một số bất kỳ cho một số lớn hơn đứng đằng sau nó. Ví dụ như 13:21, 34:55.
- 0.382: Tỷ lệ này thì lại được tính bằng cách lấy một số bất kỳ cho một số lớn hơn bên tay phải, cách số đó 1 chữ số. Ví dụ như 8:21, 13:34, 21:55.
Các loại Fibonacci phổ biến
Nếu thường xuyên sử dụng phân tích kỹ thuật, bạn sẽ thấy có đến hơn 10 loại Fibonacci khác nhau, nhưng chỉ có 2 loại được dùng nhiều trong phân tích thị trường tài chính đó là: Fibonacci thoái lui và mở rộng. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu 5 loại Fibonacci phổ biến nhất hiện nay.
- Fibonacci Fan
Fibonacci Fan chính là đường thẳng được nối các mức giá cao nhất và thấp nhất trên biểu đồ giá. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể coi đó là các đường trendline được kẻ qua các cột mốc quan trọng của công cụ Fibonacci thoái lui.
Trong đó 3 đường chéo đi qua các mức 0,382; 0,5; 0,618 là 3 vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng nhất. Đường Fibonacci Fan tăng được kéo từ đáy lên và qua các mức quan trọng và ngược lại với Fibonacci Fan giảm. Fibonacci Fan được sử dụng để xác định các vùng hỗ trợ/kháng cự, qua đó tìm kiếm các giao dịch đảo chiều vô cùng tiềm năng.
- Fibonacci Retracements
Fibonacci Retracements hay còn gọi là Fibonacci thoái lui là một trong những loại Fibonacci phổ biến nhất được trader sử dụng thường xuyên trong chứng khoán, tiền số, forex. Loại Fibonacci này được xác định bằng cách nối các điểm cao nhất và thấp nhất trên biểu đồ giá.
Và các đường nằm ngang trong đoạn nối này như 38,2%, 50%, 61,8%, 100% là các mốc quan trọng biểu đồ giá đang phân tích. Các đường nằm ngang sẽ lần lượt được vẽ theo các tỷ lệ sau: 0.0%; 23.6%; 38.2%; 50%; 61.8%…
Thông thường khi giá chạm vào những ngưỡng này sẽ gây ra phản ứng đảo chiều. Công cụ này thường được các trader giao dịch thuận theo xu hướng ưa thích vì giúp xác định các vùng giá hồi về. Tại đó cũng chính là điểm vào lệnh tối ưu dành cho trader.
- Fibonacci Extension
Fibonacci Extension hay còn gọi là Fibonacci mở rộng, cũng có các mức quan trọng là 0; 0.382; 0.5; 0.618; 1.0; 1.618; 2.618…. Fibonacci Extension dự báo về những mức giá quan trọng mà giá có thể chạm tới. Hay nói cách khác, Fibonacci mở rộng giúp trader xác định các vùng giá tiềm năng để chốt lời, thay vì chỉ dựa trên R:R.
- Fibonacci Time Zone
Fibonacci Time Zone hay còn gọi là Fibonacci vùng thời gian cũng cung cấp cho trader cái nhìn rất trực quan về biến động giá nhưng theo trục thẳng đứng. Fibonacci Time Zone cũng được kẻ từ các điểm swing high và các điểm swing low trên biểu đồ giá.
Sau đó, công cụ này cũng hiển thị các vùng quan trọng tương tự như Fibonacci thoái lui nhưng theo trục thẳng đứng, cùng chiều với biểu đồ giá, đại diện cho thời gian trong tương lai có thể tạo ra các mức đỉnh/đáy và đảo chiều giá. Công cụ này cũng có thể giúp trader xác định các vùng đảo chiều giá và tìm kiếm các giao dịch tiềm năng.
- Fibonacci Arc
Fibonacci Arc hay còn gọi là Fibonacci hình vòng cung là những hình nửa vòng tròn đồng tâm được tạo thành, khi trader thực hiện nối từ điểm cao nhất và điểm thấp nhất trong đoạn giá đang phân tích. Tương tự như các công cụ Fibonacci khác, Fibonacci Arc cũng giúp trader xác định các vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng tương tự với các mức 0,382; 0,5; 0,618… trên biểu đồ, mà tại đó giá sẽ có phản ứng.
Ứng dụng của Fibonacci trong Phân tích kỹ thuật
Trong giao dịch forex, hàng hóa, tiền kỹ thuật số hay chứng khoán các trader thường xuyên sử dụng Fibonacci Retracement và Fibonacci Extension để tìm điểm vào lệnh và cắt lỗ, chốt lời hợp lý. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một số chiến lược giao dịch với Fibonacci mà bạn có thể tham khảo.
#1: Sử dụng Fibonacci Retracement để tìm điểm vào lệnh
- Bước 1: Xác định xu hướng
Nếu xu hướng đang diễn ra là uptrend, trader sẽ tìm kiếm lệnh Buy, ngược lại nếu xu hướng là Downtrend thì tìm kiếm lệnh Sell. Ngoài ra, trader cần sử dụng thêm các công cụ phân tích khác để nhận định xu hướng chính xác hơn.
- Bước 2: Tìm các điểm cực đại
Trader cần theo dõi để tìm điểm cao nhất và thấp nhất trong đoạn giá đang phân tích. Sau đó kéo từ mức thấp nhất lên mức cao nhất để xác định các mốc quan trọng của Fibonacci Retracement, mà giá sẽ hồi về.
- Bước 3: Tìm kiếm điểm vào lệnh
Theo dõi hành động giá và vào lệnh theo nến tín hiệu tại các vùng quan trọng của công cụ Fibonacci Retracement.
Ví dụ 1. Xu hướng tăng
EUR/USD trên khung 5m có xu hướng tăng. Khi này ta sẽ chọn ra đỉnh và đáy tại mức 1.03313, 1.02741 để vẽ Fibonacci Retracement. Trader sẽ kỳ vọng giá giảm xuống các mức Fibonacci và hồi lại để Buy thuận xu hướng.
Như trong hình giá đã chạm xuống mức giá 0.236 ít nhất 3 lần và không giảm nữa. Cho nên đây sẽ là điểm vào lệnh Buy thuận xu hướng lý tưởng.
Ví dụ 2: Xu hướng giảm
EUR/USD trên khung 5m có xu hướng chính là giảm. Khi này nhà đầu tư sẽ đưa ra lựa chọn vào lệnh Sell thuận xu hướng tại những điểm hồi lại để tối ưu lợi nhuận. Để tìm điểm vào lệnh trader sẽ dùng công cụ vẽ Fibonacci Retracement kéo từ đỉnh là 1.03670 xuống đáy 1.03140.
Quan sát hình ta thấy giá đã 2 lần hồi chạm vào vùng 0.236 rồi lại tiếp tục giảm thuận xu hướng. Do đó, điểm vào lệnh tối ưu trong trường hợp này là tại mức giá 0.236.
#2: Sử dụng Fibonacci Extension để tìm điểm chốt lời
Trước khi sử dụng công cụ Fibonacci Extension, chúng ta cần hiểu rõ các điểm quan trọng để xác định chính xác Fibonacci Extension trên biểu đồ.
- Xu hướng tăng
Trader cần xác định 3 điểm: Điểm thấp nhất, điểm cao nhất và điểm đảo chiều trong đoạn giá đang phân tích. Trong đó, điểm đảo chiều chính là điểm tại đó giá thay đổi hướng di chuyển và cũng là điểm vào lệnh tiềm năng của trader. Sử dụng Fibonacci Extension sẽ giúp trader dự phòng được các mức giá cặp tiền có thể chạm tới. Từ đó chọn một mức giá khả thi để cài đặt điểm Take Profit.
Ví dụ: Ví dụ ở trên trader đã sử dụng Fibonacci Retracement để tìm điểm vào lệnh tại mức Fibonacci Retracement 0.236. Tiếp theo ta sẽ tìm chốt lời bằng Fibonacci Extension khi kéo từ đáy đến đỉnh rồi đến điểm vào lệnh.
Quan sát hình ta thấy giá tăng đến mức 0.382 và 0.618 đảo chiều. Do đó đây sẽ là 2 điểm chốt lời tối ưu cho trader.
- Xu hướng giảm
Cách làm cũng tương tự. Trader cũng cần xác định 3 điểm: điểm thấp nhất, điểm cao nhất và điểm đảo chiều. Tương tự điểm đảo chiều sẽ giúp trader vào lệnh Sell thuận xu hướng. Còn các mức Fibonacci Extension dưới điểm đặt lệnh tiếp theo sẽ là điểm chốt lời.
Ví dụ: Ta sẽ lấy luôn ví dụ ở trên. Tuy nhiên, ở đây ta đang tìm chốt lời nên sẽ sử dụng Fibonacci Extension kéo từ đỉnh, đến đáy rồi đến điểm vào lệnh như đã tìm ở trên.
Như trong hình vẽ ta thấy khi giá đến Fibonacci Extension 0.5 và 0.618 giá có đoạn điều chỉnh giảm, tiếp theo sau đó giã đã đi ngang. Cho nên đặt chốt lời tại các mức 0.5 và 0.618 là tối ưu nhất.
#3: Sử dụng Fibonacci để xác định điểm cắt lỗ an toàn
Thị trường luôn biến động khó đoán nên đặt cắt lỗ sẽ giúp trader giảm thiểu rủi ro dẫn đến cháy tài khoản. Trong đó, Fibonacci chính là công cụ hỗ trợ tìm ra điểm cắt lỗ an toàn nhất.
Đặt cắt lỗ ở mức Fibonacci gần điểm đặt lệnh
- Xu hướng tăng: Nếu như bạn đặt lệnh tại điểm đảo chiều thì điểm cắt lỗ sẽ được đặt dưới mức vào lệnh. Chẳng hạn điểm entry là 0.382 thì điểm đặt lệnh sẽ ở bên dưới mức này là 0.5, 0.618….
- Xu hướng giảm: Tương tự nếu trader đặt lệnh Sell tại điểm đảo chiều thì điểm cắt lỗ sẽ được đặt trên mức vào lệnh trên biểu đồ giá. Chẳng hạn điểm entry là 0.382 thì điểm đặt lệnh sẽ ở bên dưới mức này là 0.5, 0.618,….
Đặt cắt lỗ ở đỉnh, đáy để vẽ Fibonacci
- Với lệnh Sell bạn sẽ đặt cách lỗ trên đỉnh được chọn để vẽ Fibonacci
- Ngược lại, mức cắt lỗ của lệnh Buy sẽ được đặt dưới đáy được chọn để vẽ Fibonacci.
Ví dụ:
Cùng ví dụ ở trên, ta có điểm vào lệnh Buy tại mức 0.236. Khi này trader sẽ có 2 điểm cắt lỗ là tại mức 0.382 và tại đáy là mức 1. Tuy nhiên, giá sẽ không thể giảm sâu xuống đáy nên mức cắt lỗ là 0.382 sẽ tối ưu hơn.
Các lưu ý khi sử dụng Fibonacci trong phân tích kỹ thuật
Mặc dù Fibonacci giúp trader tìm kiếm các điểm vào lệnh, cắt lỗ chốt lời khá hiệu quả. Tuy nhiên, giống như các công cụ phân tích kỹ thuật khác, Fibonacci không phải lúc nào cũng cung cấp tín hiệu chính xác 100%. Vì thế, khi sử dụng công cụ này trader cần ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Luôn luôn kết hợp với công cụ khác
Việc sử dụng riêng lẻ Fibonacci trong việc phân tích và đưa ra quyết định giao dịch dễ khiến trader có cái nhìn chủ quan và thiếu chính xác. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp đối với Fibonacci Retracement, giá có thể sẽ không hồi về vùng 0.5, 0.618 mà có thể chạm vùng 0,768. Vì thế nếu trader vội vàng vào lệnh tại các mức 0.382, 0.5, 0.618 thì rất có thể sẽ thua lỗ.
Vì vậy, nếu không kết hợp Fibonacci với các công cụ khác thì tín hiệu thực hiện giao dịch sẽ không chính xác. Trader nên kết hợp Fibonacci với các công cụ như hỗ trợ/kháng cự, đường trung bình động MA, đường trendline….
- Xác định đúng điểm cao nhất và thấp nhất
Cùng sử dụng Fibonacci nhưng mức giá được xác định của các trader có thể rất khác nhau. Lý do vì khung thời gian phân tích, cách xác định vùng đỉnh/đáy của trader không giống nhau và có sai lệch. Để xác định chính xác mức giá trên Fibonacci thì trader cần xác định chính xác các mức giá cao nhất và thấp nhất trong đoạn giá đang phân tích.
Bên cạnh đó, trader nên tập backtest và thực hành xác định đỉnh/đáy trong đa khung thời gian để có cái nhìn chính xác về xu hướng cũng như các mức cao nhất và thấp nhất. Điều này giúp trader hạn chế được khá nhiều sai lệch và rủi ro giao dịch.
- Cẩn trọng với các giao dịch đảo chiều
Nếu trader sử dụng Fibonacci để tìm kiếm các điểm vào lệnh và chốt lời thuận theo xu hướng thì có lẽ sẽ an toàn hơn các giao dịch đảo chiều. Bởi vì Fibonacci có nhiều mốc quan trọng và trader không biết chính xác giá sẽ chạm mức hỗ trợ/kháng cự nào.
Hơn nữa, việc đảo chiều xu hướng thường không dễ dàng, sẽ xuất hiện nhiều bẫy giao dịch để “săn thanh khoản” của trader. Vì vậy, với các giao dịch đảo chiều trader cần phải thận trọng, việc quan trọng nhất là đánh giá, nhận định xu hướng và kết hợp với các công cụ khác để tìm được tín hiệu chính xác.
Kết luận
Trên đây là những kiến thức cơ bản về Fibonacci và chiến lược giao dịch hiệu quả khi kết hợp công cụ này với các công cụ phân tích khác như: đường MA, kênh giá, hỗ trợ kháng cự. Hy vọng thông qua bài này, trader sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích và ứng dụng thành công vào chiến lược giao dịch của bản thân.
Chúc các bạn thành công!