Chỉ số PEG là gì?
Chỉ số PEG (Price Earnings to Growth) là một chỉ số định giá. Nó thể hiện mối quan hệ giữa P/E với Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G) của cổ phiếu.
Cách tính chỉ số PEG
Chỉ số PEG được tính toán bằng công thức sau:
Trong đó: G là tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS dự kiến trong tương lai.
Ví dụ: 1 doanh nghiệp đang có P/E = 12, tốc độ tăng trưởng G = 15(%) thì chỉ số PEG tính bằng: 12/15 = 0.8
Như vậy để tính toán chỉ số PEG, chúng ta sẽ cần xác định 2 yếu tố chính là: P/E và G.
#1. Xác định Chỉ số P/E
Chúng tôi đã có 1 bài viết chia sẻ về chỉ số P/E, bạn đọc có thể tham khảo ở bài viết này tại đây.
#2. Xác định Tốc độ tăng trưởng (G)
Trên thực tế sẽ không có 1 công thức cụ thể nào giúp bạn xác định chính xác con số này. Thậm chí, đến ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng không dám tự tin khẳng định chính xác doanh nghiệp mình sẽ tăng trưởng bao nhiêu % trong 3 – 5 năm tới?! Tuy nhiên, dưới đây là 2 gợi ý mà chúng ta có thể sử dụng để dự phóng yếu tố G này:
– Thông qua Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng (hoặc EPS) trong quá khứ
Chúng ta sẽ dựa vào số liệu quá khứ về lợi nhuận ròng (hoặc EPS) để tính toán tốc độ tăng trưởng bình quân trong quá khứ, sau đó điều chỉnh về mức hợp lý cho tương lai.
Việc điều chỉnh cần dựa trên các yếu tố như đặc điểm ngành nghề, tiềm năng tăng trưởng của sản phẩm, chu kỳ kinh tế, lợi thế cạnh tranh…
Dữ liệu tính toán nên là khoảng thời gian dài (từ 3 – 5 năm), hoặc theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp… mục đích là để tránh những biến động trong ngắn hạn khiến lợi nhuận ròng (hoặc EPS) tăng/giảm đột biến.
Hãy lưu ý với những cổ phiếu có G trong quá khứ quá cao.
– Dựa vào kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo, báo cáo phân tích của các CTCK
- Bạn sẽ sử dụng con số lợi nhuận ròng (hoặc EPS) của ban lãnh đạo đề ra trong kế hoạch kinh doanh
Lưu ý: 1 số doanh nghiệp thậm chí còn đề ra kế hoạch kinh doanh dài hơi hơn (5 năm chẳng hạn).
- Hoặc, sử dụng con số ước tính về lợi nhuận ròng (hoặc EPS) trong báo cáo phân tích của các CTCK
… sau đó điều chỉnh và tính toán để ra tốc độ tăng trưởng G phù hợp cho tương lai.
Chú ý các yếu tố sau khi tiến hành tính toán và điều chỉnh G:
- Các yếu tố tài chính như biên lợi nhuận gộp, ROE… có thay đổi nhiều không? Hay ổn định?
- Doanh nghiệp đánh giá có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không? Hoạt động kinh doanh hiện tại như thế nào (có mở rộng quy mô, đầu tư gì hay không?)
- Chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp đang ở đâu?
- Môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô liệu có ổn định?
- …
Mối quan hệ giữa P/E với tốc độ tăng trưởng (G) cho bạn biết điều gì?
Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai. Và chỉ số PEG sẽ giúp xác định mức độ tin cậy cho giả định tăng trưởng (G) này.
PE = G hay PEG = 1
Khi chỉ số P/E của doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kỳ vọng (G) bằng nhau (hay PEG = 1), điều này có nghĩa là thị trường đang định giá cổ phiếu hoàn toàn tương đồng với tốc độ tăng trưởng kỳ vọng của nó. Nói cách khác, tăng trưởng thu nhập EPS của cổ phiếu đã được thị trường định giá đầy đủ vào giá của cổ phiếu.
PE > G hay PEG > 1
Chỉ số PEG lớn hơn 1, nó đồng nghĩa với việc:
- Cổ phiếu đó đang được định giá cao hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp;
- Hoặc, thị trường đặt kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu này cao hơn mức tăng trưởng công bố.
Các cổ phiếu tăng trưởng thường có tỷ số PEG lớn hơn 1, bởi các nhà đầu tư sẵn lòng trả nhiều hơn cho một cổ phiếu được kỳ vọng là có tốc độ tăng trưởng nhanh.
Tuy nhiên, nó cũng có thể là do thu nhập được dự báo thấp hơn trong khi giá cổ phiếu vẫn ổn định vì nhiều lý do khác.
PE < G hay PEG < 1
Nó là một dấu hiệu cho thấy:
- Có khả năng cổ phiếu đó đang bị định giá thấp;
- Hoặc là, thị trường đang không kỳ vọng doanh nghiệp có thể đạt được tăng trưởng thu nhập giống như những dự báo mà doanh nghiệp đưa ra.
Kết luận
Bạn nên sử dụng kết hợp chỉ số PEG với các thông tin khác để có được một cái nhìn toàn cảnh đầy đủ hơn về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Cũng như phải hiểu rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các yếu tố cơ bản cũng như là mức tăng trưởng thu nhập kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Để có thể khẳng định một cổ phiếu nào đó đang bị định giá quá cao hay quá thấp, bạn cần phân tích các chỉ số tài chính khác (bao gồm cả chỉ số PEG) trong tương quan với nhóm ngành của cổ phiếu đó cũng như là với toàn bộ thị trường.
Chúc các bạn thành công!